Di tích lịch sử Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan

Dòng họ Hoàng Văn ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc là hậu duệ của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn – một danh tướng thời nhà Trần, có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến của quân dân Đại Việt chống quân Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ 13.

Ngày 18/09/2022 | 0 phút đọc

Dòng họ Hoàng Văn ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc là hậu duệ của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn – một danh tướng thời nhà Trần, có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến của quân dân Đại Việt chống quân Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ 13. Đến nay, Dòng họ đã trải qua hơn 20 đời. Ở thời kỳ nào, dòng họ Hoàng Văn ở huyện Nghi Lộc nói chung, xã Nghi Thuận nói riêng cũng xuất hiện nhiều nhân vật tài đức vẹn toàn, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước tiêu biểu như: Trong thời kỳ phong kiến có Danh y Hoàng Nguyên Cát, Viện phó Thái y viện Hoàng Nguyên Lễ, Phó bảng, Đốc học Nghệ An Hoàng Văn Cư, Cử nhân Hoàng Văn Thâm – người tham gia sáng lập hội Y học Trung Kỳ... Các thế hệ con cháu họ Hoàng Văn ở Nghi Thuận đã phát huy nghề y, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Nhiều người trở thành thầy thuốc nổi tiếng như ông Hoàng Văn Trí, ông Hoàng Văn Liên, ông Hoàng Văn Hệ...

Không chỉ là dòng họ có truyền thống nhân ái, hiếu học, học giỏi, mà họ Hoàng Văn còn là dòng họ có truyền thống cách mạng, yêu nước. Phát huy truyền thống, niềm tự hào là con cháu Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn – Nhân vật lịch sử kiệt xuất đã góp phần làm nên Hào khí Đông A oanh liệt trong lịch sử Dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hậu duệ của dòng họ Hoàng Văn đã hăng hái lên đường tham gia kháng chiến, xuất hiện nhiều nhà cách mạng trung kiên, xuất sắc như Hoàng Văn Tâm – là Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc đầu tiên (năm 1930 - 1932), ông đã bị Thực dân Pháp xử tử hình năm 1932; Lão thành cách mạng Hoàng Bá; Lão thành cách mạng Hoàng Văn Liên - Chủ tịch Mặt trận Việt minh huyện Nghi Lộc năm 1945; ông Hoàng Văn Mỹ - đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, bị Thực dân Pháp đày lên Ngục Kon Tum; Thiếu tướng Hoàng Niệm - Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc; Đại tá Hoàng Lâm; Lão thành cách mạng, Đại tá Hoàng Khuê; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Đan…

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, hiện nay, con cháu của dòng họ Hoàng Văn đều cố gắng học tập và tu dưỡng, cần cù lao động, tiếp tục có nhiều cống hiến cho xã hội trên các lĩnh vực. Hiện nay Dòng họ có hàng trăm người có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú, cùng rất nhiều người đang công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tập đoàn kinh tế lớn...

Nhà thờ Hoàng Văn Hệ được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 tại làng Kim Hòa, tổng Kim Khê (nay thuộc xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan được xây dựng trong khuôn viên Nhà thờ Hoàng Văn Huệ tạo thành quần thể hài hòa, thống nhất. Đây là nơi thờ tự, lưu niệm các bậc tiên linh dòng họ Hoàng Văn, trong đó có một số nhân vật có nhiều công lao, đóng góp quan trọng cho nhân dân, đất nước, tiêu biểu như:

1. Hoàng Văn Hệ:
Ông Hoàng Văn Hệ (còn có tên là Hoàng Văn Ty) sinh năm 1893 tại làng Kim Hòa, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, là hậu duệ đời thứ 21 của Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước, lại có tư chất thông minh, lanh lợi, ông được gia đình cho ăn học đầy đủ, thông thạo chữ nho và chữ quốc ngữ...Lớn lên, Hoàng Văn Hệ đã trở thành một nhà hoạt động cách mạng tích cực. Ông đã sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái hoạt động trong các phong trào phản đế, phản phong, đồng thời động viên, khuyến khích con cháu tham gia hoạt động cách mạng. Đặc biệt là tham gia nhiệt tình trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh1930-1931. Năm 1931, ông bị Pháp bắt giam tại nhà lao Vinh. Sau khi thoát khỏi lao tù thực dân, ông tiếp tục hoạt động bí mật. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Mặt trận Việt Minh hoạt động sôi nổi khắp nơi để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Ông đã cùng với các anh em là Hoàng Văn Liên, Hoàng Văn Mỹ và các con, cháu là Hoàng Khuê, Hoàng Đan, Hoàng Niệm, Hoàng Lâm hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh, góp phần cùng với nhân dân xã nhà giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng, tham gia nhiều công tác xây dựng chính quyền mới ở địa phương, tích cực góp phần tuyên truyền phổ biến các chủ trương đường lối của đảng, chính sách của nhà nước để xây dựng chính quyền địa phương. Sau 1954, ông là Ủy viên Thường vụ BCH Mặt trận Liên Việt huyện Nghi Lộc nhiều khóa. Với những đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến, năm 1956, gia đình ông được Nhà nước tặng Bảng vàng danh dự. Bên cạnh đó, với nghề làm thuốc gia truyền, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ, cứu chữa cho những người khó khăn, hoạn nạn nên được nhân dân trong vùng yêu mến, kính phục.

Di tích lịch sử Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan

 

Di tích lịch sử Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan

 

Di tích lịch sử Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan

 

Cụ Hoàng Văn Hệ


2. Hoàng Khuê:
Hoàng Khuê sinh năm 1921. Ông là trưởng nam của cụ Hoàng Văn Hệ và cụ Đặng Thị Ngung. Sinh ra trong gia đình yêu nước, lớn lên trên quê hương cách mạng, Hoàng Khuê đã sớm giác ngộ và tham gia các phong trào yêu nước, cách mạng. Năm 1937 - 1938, ông tham gia Đoàn thanh niên dân chủ ở thành phố Vinh và được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Thanh niên dân chủ Thành phố Vinh. Năm 1939 – 1941, ông tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức ở Nghệ An như Thanh niên Cộng sản, Phong trào Thợ nhà máy Trường Thi, Nông hội đỏ....Tháng 01 năm 1941, ông bị Thực dân Pháp bắt và bị kết án 7 năm tù chính trị khổ sai, giam ở Nhà lao Vinh. Trong tù ngục của Thực dân Pháp, dù bị tra tấn, đàn áp dã man nhưng ông vẫn kiên định, giữ vững khí tiết của người cộng sản; đồng thời tích cực đấu tranh chống lại chế độ nhà tù. Ông đã cùng với các đồng chí của mình tổ chức hai cuộc đấu tranh lớn ở trong nhà lao Vinh. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, ông thoát khỏi nhà tù, tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 3 năm 1945 đến tháng 9 năm 1945: ông làm Bí thư Việt Minh Tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc. Từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 3 năm 1947: ông làm Phó Bí thư Hội Nông dân cứu quốc tỉnh Nghệ An. Tháng 4 năm 1947, ông gia nhập quân đội và giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: phái viên chính trị tiểu đoàn 187, Trung đoàn 57, Quân khu 4, Chính trị viên đại đội, Trung đoàn 57, Quân khu 4, Trưởng tiểu ban tổ chức Trung đoàn 57, Phó Chính ủy Trung đoàn 57, phụ trách Ban tổ chức Sư đoàn 304, Trưởng phòng bảo vệ Sư đoàn 350, Trưởng Ban bảo vệ Bộ tư lệnh pháo binh (Sư đoàn 351)... Năm 1958, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông được phong hàm Thiếu tá. Năm 1960 - 1961, ông là học viên Trường chính trị Trung cao cấp quân đội và được Quân đội cử đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, từ năm 1961 đến năm 1966, ông làm Trưởng phòng bảo vệ Quân khu IV. Từ năm 1967 đến năm 1969: ông làm Chính ủy Cục Hậu cần, Mặt trận B5 – đường 9. Từ năm 1970 – 1973: ông làm Trưởng đoàn 60 và đoàn 200, Quân khu IV. Từ năm 1975 đến 1978: ông làm Chính ủy Cục Xây dựng kinh tế, Quân khu IV. Năm 1979, ông được nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Ông mất ngày 7 tháng 9 năm 1988 tại Bệnh viện Quân y 108.
68 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, hơn 50 năm hoạt động cách mạng, 33 năm trong quân đội, ông đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và phần thưởng cao quý, tiêu biểu như: Huân chương Chiến thắng Hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân Chương Chiến công Hạng nhì, Huân chương Quân công Hạng nhì, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Độc Lập Hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác... Ông Hoàng Khuê là lớp cán bộ trưởng thành từ trong phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh thời kỳ 1936 - 1939, trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Là Lão thành cách mạng, ông đã suốt đời quên mình phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân. Khi hoạt động bí mật cũng như trong lao tù đế quốc và cho đến khi về nghỉ hưu, ông là tấm gương một lòng kiên trinh với lý tưởng của Đảng. Là một sỹ quan "Bộ đội Cụ Hồ", dù là thời kỳ chiến đấu ở những chiến trường gian khổ, ác liệt, cam go hay trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, ông luôn hết lòng tận tụy liêm chính, cẩn trọng trong công tác; thẳng thắn, trung thực, chân tình, chu đáo với đồng đội. Trong gia đình, ông là tấm gương sáng về trung, hiếu, tín nghĩa; trong làng xã, ông luôn là người trọn nghĩa, vẹn tình với bà con, quê hương. Hiện nay, tại nhà lưu niệm còn lưu giữ được khá nhiều kỉ vật gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Di tích lịch sử Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan

 

Lão thành cách mạng, Đại tá Hoàng Văn Khuê


3. Hoàng Đan:
Hoàng Đan sinh năm 1928 tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc. Ông là con trai thứ của cụ Hoàng Văn Hệ. Tiếp nối truyền thống gia đình và quê hương, ngay từ thời niên thiếu, ông Hoàng Đan đã bộc lộ khí chất yêu nước thương dân, căm thù thực dân đế quốc. Trong thời gian 50 năm hoạt động cách mạng, Hoàng Đan đã có nhiều đóng góp xuất sắc, to lớn qua các thời kỳ, từ cách mạng giành chính quyền, kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược đến thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước.
Trong cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng của mình, Hoàng Đan đã để lại dấu ấn đậm nét với những chiến công vang dội. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, với sự dũng cảm mưu trí, sáng tạo đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn thực hiện đặc biệt xuất sắc nhiều nhiệm vụ, đánh thắng nhiều trận ở chiến trường Bình - Trị - Thiên và Thanh Hóa, Ninh Bình. Chỉ trong năm 1952, ở khu vực Ninh Bình, đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn đánh 5 trận công kiên toàn thắng, diệt gọn 5 đại đội địch, trong đó có hai đại đội lính Âu - Phi. Theo đánh giá của Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo: "Thắng lợi của trận Bến Xanh, Ninh Bình mở ra một trình độ tác chiến mới của Quân đội ta".
Năm 1952, Hoàng Đan tham gia chiến dịch Trung Lào, chỉ huy bộ đội giải phóng Cánh đồng Chum. Tháng 11/1953, là Trung đoàn phó, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; sau đó ông liên tục được cử giữ các chức vụ quan trọng, như: Trưởng ban tác chiến Sư đoàn 304, Phó trưởng phòng nghiên cứu Trường Trung - Cao cấp quân sự (Tiền thân của Học viện Quốc phòng). Từ năm 1960 - 1964, ông được cử đi học ở Học viên quân sự ở Liên Xô cũ. Từ năm 1964 – 1965 là chủ nhiệm khoa Bộ Binh, Học viện Quân Chính.
Từ năm 1965 - 1974, Hoàng Đan chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên khói lửa. Năm 1965, là Phó Tư lệnh Sư đoàn 304B. Ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường sôi động nhất Đông Dương: Đường 9 Khe Sanh; hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ: đánh 7.000 quân Mỹ, giành dật cửa ngõ Nam tiến cho quân ta và giam chân quân địch, tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sư đoàn Hoàng Đan đã đánh thắng quân Mỹ trong các trận làng Vây, Tà Cơn nổi tiếng, mở đầu thời kỳ tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đội ta trong chiến tranh chống Mỹ; làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Tìm diệt" của Mỹ - Ngụy; mở đầu thời kỳ Việt Cộng tìm diệt Mỹ - Ngụy; phá tan "Cánh cửa thép"của ngụy quân, mở rộng hành lang Nam tiến cho Quân đội ta.
Năm 1971, là Tư lệnh Sư đoàn 304, đồng chí tham gia Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, tiếp tục mở toang hành lang Nam tiến.
Gần trọn năm 1972, đồng chí tham gia 3 Chiến dịch, thực hiện xuất sắc: "Đánh giỏi, diệt gọn, thắng lớn", góp phần giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Sư đoàn 304 là một trong những sư đoàn thép của QĐNDVN". Quân địch gọi Hoàng Đan là Tư lệnh "Hổ Xám".
Tháng 11/1973, là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 1 mới được thành lập.
Tháng 5/1974, là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 2 mới được thành lập.
Tháng 6/1974, ông thay mặt Tư lệnh Quân đoàn 2 tham gia Bộ chỉ huy Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Chỉ trong 3 giờ, ông đã chỉ huy bộ đội đánh chiếm Thượng Đức, phá tan "Mắt Ngọc", mở toang "Cánh cửa thép bất khả xâm phạm" của quân địch; giải phóng vùng phía Tây Đà Nẵng. Trận đánh này mở ra giai đoạn ta chuyển sang thực hiện những đòn tiến công chiến lược, giành thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 3/1975, là Tư lệnh phó Quân đoàn 2, ông đã chỉ huy mũi tiên phong của Quân đoàn, thực hiện "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng", tiến hành liên tiếp các trận đánh giải phóng Trị - Thiên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Cực Nam Trung bộ: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết.
Người treo lá cờ Chiến thắng trên đỉnh cột Phú Văn Lâu là chiến sĩ thuộc đơn vị Hoàng Đan. Đồng chí cũng là người chỉ huy cấp Quân đoàn đầu tiên có mặt ở Đà Nẵng đã giải phóng. Người ta gọi đồng chí là Tư lệnh Tốc chiến, tốc thắng".
Tháng 4/1975, ông là Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy mũi tiến công theo Quốc lộ 1 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 04 năm 1975, đồng chí Hoàng Đan là người đầu tiên với cương vị Phó Tư lệnh Quân đoàn có mặt ở Dinh Độc Lập.
Hai chiếc xe tăng 843 và 390 húc đổ cánh cữa sắt Dinh Độc Lập là xe tăng thuộc quyền chỉ huy của đồng chí Hoàng Đan. Người phất lá cờ Chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập, người trực tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền ngụy đều là các cán bộ thuộc đơn vị của đồng chí Hoàng Đan.
Hoàng Đan cũng chính là người trực tiếp ra lệnh cho Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hành - phụ tá Tổng thống ngụy, truyền lệnh đầu hàng vô điều kiện cho các đơn vị quân ngụy. Ông cũng là người trực tiếp tham gia nội dung "Thông báo số 1" của quân giải phóng.
Sau chiến tranh, ông là Phó Giám đốc phụ trách huấn luyện đầu tiên của Học viện Quân sự cấp cao mới được thành lập.
Năm 1977, đồng chí Hoàng Đan vinh dự được phong tặng quân hàm thiếu tướng.
Sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra 4 ngày, thiếu tướng Hoàng Đan được giao làm Tư lệnh Quân đoàn 5 mới được thành lập, kiêm Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn. Từ Tư lệnh "Hổ Xám" đến "Tư lệnh tốc chiến, đồng chí đã trở thành Tư lệnh chống chọi với hơn 60 vạn quân xâm lược.
Sau chiến tranh biên giới kết thúc, ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ như: Phó Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự /Bộ Tổng Tham Mưu, Cục trưởng Cục khoa học - Công nghệ - Môi trường Quân sự Bộ Tổng Tham Mưu.

Di tích lịch sử Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan

 

Thiếu tướng Hoàng Đan


Năm 1995, thiếu tướng Hoàng Đan nghỉ hưu. Nguyên Tổng bí thư trung ương Đảng Lê Khả Phiêu đánh giá: "Nói đến đồng chí Hoàng Đan - tướng Hoàng Đan, toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong lĩnh vực quân sự. Ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên các chiến trường từ những năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ với những cương vị khác nhau, … Tham gia nhiều chiến dịch lớn, am hiểu và tinh thông, sáng tạo vận dụng các hình thức nghệ thuật tác chiến từ phân đội nhỏ đến các chiến dịch binh chủng hợp thành qui mô lớn trong tiến công, phòng ngự. Trong đánh địch có công sự kiên cố cũng như đánh địch vận động. Phần lớn các trận đánh đều đạt hiệu quả cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đồng chí là một người chỉ huy có bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo, những nơi gặp khó khăn, những tình huống phức tạp, đồng chí thường được trên giao xuống trực tiếp tìm hiếu tình hình và tìm cách giúp đỡ đơn vị khắc phục. Đồng chí còn là một nhà giáo, nhà quản lý khoa học quân sự giỏi, với dày dặn kinh nghiệm qua thực tiễn chiến trường nhiều năm nên ông có uy tín lớn trong quân đội và nhân dân ta. Tuy ông đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi ông được quân đội mãi mãi học tập".
Ghi nhận những chiến công xuất sắc của ông trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước đã phong tặng ông nhiều huân, huy chương, bằng khen và phần thưởng cao quý: Huân Chương Chiến sĩ Hạng hai, Huân chương Chiến thắng Hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng nhất, Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng nhất, Huân chương Quân công Hạng nhất, Huân chương Hữu Nghị Việt – Xô, Huy chương vì sự nghiệp khoa học – công nghệ và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 9/10/2014, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã truy tặng Tướng Hoàng Đan danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Tiếc thương ông, Ban liên lạc Cựu chiến binh Quân khu Bình - Trị - Thiên có thơ viếng:
“Tướng giỏi như Anh được mấy người
Chiến công lừng lẫy khắp nơi nơi
Sống tình, nghĩa, trung thành vô hạn
Chết nhẹ nhàng về đất Mẹ Nghệ An”.

Không những là nơi thờ tự, lưu niệm các nhân vật lịch sử, Di tích Nhà thờ Hoàng Văn Hệ, Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, cụ thể như sau:

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 là nơi hội họp bí mật, là một trong những cơ sở của phong trào cách mạng tại Nghi Lộc. Sau 1945, là nơi đóng quân của một tiểu đội công an huyện Nghi Lộc. Những năm sau 1954, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nghi Lộc thường chọn nơi đây tổ chức hội nghị, đại hội...

Di tích là công trình kiến trúc đẹp, cổ kính có nhiều giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.

Về giá trị lịch sử:

Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khê, Hoàng Đan là công trình kiến trúc văn hóa được xây dựng nên để thờ các bậc tiền nhân của dòng họ, trong đó có những người có công với dân với nước, thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân, nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Việc nghiên cứu lịch sử dòng họ và các nhân vật được thờ phụng, tưởng niệm tại di tích giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử đất nước, nhất là thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ...tô thắm thêm truyền thống của quê hương. Tại di tích còn lưu giữ nhiều kỷ vật kháng chiến, các huân huy chương, các bài viết, bài nghiên cứu về nghệ thuật quân sự của Thiếu tướng Hoàng Đan... Đây là những hiện vật, tài liệu gốc có giá trị quý, phục vụ nhiều ngành nghiên cứu khoa học. Có thể nói, Di tích Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khê, Hoàng Đan là địa chỉ đỏ trên quê hương Nghi Lộc anh hùng.

Về giá trị văn hóa:

Di tích Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khê, Hoàng Đan có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Với việc bảo lưu gìn giữ được nhiều hiện vật gốc đặc sắc, được trưng bày một cách khoa học, nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan là địa chỉ đỏ để cán bộ, Đảng viên, người dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, đồng thời tưởng niệm, tri ân những anh hùng đã có nhiều đóng góp cho Dân tộc.

Về Giá trị khoa học, thẩm mỹ:

Di tích được xây dựng trên một vùng đất cao ráo, thoáng đãng. Công trình kiến trúc mang phong cách truyền thống, quy mô vừa phải, bố trí hài hòa trong không gian làng quê, Đây là một trong những nhà thờ được bài trí sắp xếp một cách khoa học, bài bản theo phong tục truyền thống của xứ Nghệ. Nhà lưu niệm là công trình được xây dựng trên nền nhà cũ để lưu giữ, trưng bày những kỷ vật của cụ Hoàng Văn Hệ, Lão thành cách mạng, Đại tá Hoàng Khuê, AHLLVTVD Thiếu tướng Hoàng Đan. Nội dung trưng bày khoa học, mạch lạc, theo từng chủ đề, chủ điểm, đi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, từ cái chung đến cái riêng. Về hình thức trưng bày có tính thẩm mỹ, vừa có hình ảnh trực quan vừa có cả những đoạn phim tư liệu sống động để thêm phần hấp dẫn người xem. Đến với Nhà lưu niệm chúng ta có cảm tưởng như đang đến một bảo tàng chuyên nghiệp. Từng hiện vật, hình ảnh được tái hiện một cách sống động, mỗi hiện vật, hình ảnh, tài liệu là một câu chuyện lịch sử. Thông qua đây mọi người có thể hiểu hơn về lịch sử quê hương, xứ sở, đặc biệt là lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Với những giá trị như trên của Di tích, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 3966/QĐ.UBND ngày 27/10/2021 xếp hạng Nhà thờ Hoàng Văn Hệ và Nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là di tích đầu tiên trên địa bàn xã Nghi Thuận được xếp hạng. Việc công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đã tạo ra hành lang pháp lý quang trọng để bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích trong thời gian tới.

Lượt xem: 2189
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm