Vị tướng trưởng thành từ trận mạc.
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Nghi Lộc giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, tướng Hoàng Đan (là hậu duệ nhiều đời của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - danh tướng thời Trần) từ thiếu niên đã bộc lộ khí chất yêu nước thương nòi, dấn thân vào đại nghĩa cứu nước, cứu dân. Xuân Ất Dậu năm 1945 Hoàng Đan là Ủy viên Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc, ông tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân huyện nhà đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 11/1945 ông là cán bộ Việt Minh tỉnh Nghệ An, tháng 2/1946 Việt Minh tỉnh cử ông học trường Quân chính Liên khu 4.
Từ tháng 10/1946 đến 1949 ông lần lượt làm chính trị viên đại đội, đại đội trưởng, huyện Ủy viên huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, làm Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Dũng cảm, mưu trí, sáng tạo ông chỉ huy tiểu đoàn đánh thắng nhiều trận trên các chiến trường Bình -Trị - Thiên, Thanh Hóa, Ninh Bình. Năm 1952 tại Ninh Bình, ông chỉ huy Tiểu đoàn đánh 5 trận công kiên toàn thắng, diệt gọn 5 đại đội địch trong đó có hai đại đội lính Âu - Phi. “Thắng lợi của trận Bến Xanh, Ninh Bình mở ra một trình độ tác chiến mới của quân đội ta" (Đánh giá của Thượng tướng, GS NGND Hoàng Minh Thảo). Năm 1952 ông chỉ huy đơn vị tham gia giải phóng Cánh đồng Chum (Lào). Tháng 11/1953 ông là Trung đoàn phó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 8/1954 là Trưởng ban tác chiến Sư đoàn 304.
Tháng 6/1965 là Phó Trưởng phòng nghiên cứu Trường trung - cao cấp quân sự (tiền thân của Học viện Quốc phòng). Từ 1960 - 1964 ông học tại Học viên quân sự Frunze (Liên Xô). Về nước ông làm Chủ nhiệm khoa bộ binh, Học viện quân chính. Từ năm 1965 ông là Phó tư lệnh Sư đoàn 304B, trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở các chiến trường Trị Thiên, Đường 9 - Khe Sanh, đánh 7.000 quân Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc: Giam chân quân địch, giành giữ vững cửa ngõ Nam tiến, tạo điều kiện cho quân ta tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sư đoàn của ông đánh thắng quân Mỹ trong các trận Làng Vây, Tà Cơn nổi tiếng, mở ra thời kỳ tác chiến hiệp đồng binh chủng của QĐNDVN, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “tìm diệt” của đối phương; đồng thời mở ra thời kỳ “tìm địch mà diệt”. Năm 1971 ông là Tư lệnh Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, phá toang cánh cửa thép của địch, mở rộng hành lang Nam tiến cho bộ đội ta. Năm 1972 ông là Tư lệnh Sư đoàn 304 tham gia 3 chiến dịch lớn.
Tháng 6/1974 ông thay mặt Tư lệnh Quân đoàn 2 tham gia Bộ chỉ huy Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức, trong đó Thượng Đức là một then chốt, một huyệt điểm trên chiến trường Trung bộ, khai mở được huyệt điểm này là thông kinh mạch cho chiến trường Trung bộ. Được cấp trên giao vô hiệu huyệt điểm Thượng Đức, vị chỉ huy từng nổi tiếng “đánh giỏi, diệt gọn, thắng lớn” cũng phải 3 lần vào thị sát Thượng Đức, và trong 3 tiếng đồng hồ tham chiến, đơn vị của ông phá tan "mắt ngọc" Thượng Đức, mở "cánh cửa thép bất khả xâm phạm" của địch; giải phóng vùng phía tây Đà Nẵng, mở ra giai đoạn quân ta chuyển sang thực hiện tiến công chiến lược giành thắng lợi hoàn toàn. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Sư đoàn 304 là một trong những sư đoàn thép của QĐNDVN. Quân địch gọi Hoàng Đan là Tư lệnh Hổ Xám".
Trọn nghĩa, vẹn tình với Tổ quốc, với Nhân dân.
Sau khi giải phóng Thượng Đức ông nói với một nhà báo rằng, cách đánh thì như cũ, con người của đôi bên tham chiến đều tinh nhuệ, đều quyết tâm, mình chỉ gia giảm hỏa lực, sử dụng vũ khí hỏa lực tập trung tốt hơn nên giành chiến thắng.
Tháng 11/1973 ông là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 1; tháng 5/1974 ông là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 2 đều mới thành lập, trực tiếp tham gia giải quyết xuất sắc các vấn đề trên thực tế: Cơ cấu tổ chức, huấn luyện, tác chiến cấp Quân đoàn; làm cơ sở cho tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong chiến tranh giải phóng, ông được các tướng lĩnh quân đội ta tâm phục gọi là Tư lệnh “tốc chiến, tốc thắng”.
Tháng 3/1975 ông là Tư lệnh phó Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy mũi tiên phong của Quân đoàn thực hiện xuất sắc "thần tốc, táo bạo, quyết thắng", liên tiếp tham chiến giải phóng các tỉnh Trị Thiên, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết. Ngày 26/3/1975 người treo cờ chiến thắng trên đỉnh Phú Văn Lâu cố đô Huế là chiến sĩ đơn vị ông. Ngày 29/3/1975 ông là vị chỉ huy cấp Quân đoàn đầu tiên có mặt giải phóng Đà Nẵng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, ông chỉ huy mũi tiến công theo Quốc lộ 1. Hai chiếc xe tăng 843 và 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, cho đến người cắm lá cờ Chiến thắng trên nóc Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 và những cán bộ trực tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền VNCH... đều là thuộc cấp do ông trực tiếp chỉ huy.
Ông là vị chỉ huy cấp Quân đoàn đầu tiên có mặt trong Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, là người trực tiếp tham gia nội dung "Thông báo số 1" của quân giải phóng, trực tiếp ra lệnh cho Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh truyền lệnh cho quân đội VNCH đầu hàng vô điều kiện.
Tháng 4/1976 ông là Phó Giám đốc phụ trách huấn luyện đầu tiên của Học viện Quân sự cấp cao mới thành lập. Năm 1977 ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Ngày 21/2/1979, sau 4 ngày chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Thiếu tướng Hoàng Đan được giao Tư lệnh Quân đoàn 5 (mới thành lập), kiêm Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn. Từ “tư lệnh Hổ Xám” tiếp đến “tư lệnh tốc chiến”, ông thành vị “tư lệnh be bờ” tại mặt trận biên giới phía Bắc. Tháng 2/1981 ông là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1.
Là nhà thực hành tổng kết thực tiễn thành lý luận, khi yên bình ông chỉ làm cấp phó hoặc nghiên cứu. Từ 1979 - 1983 ông trực tiếp tham gia chỉ đạo, triển khai việc chống địch lấn chiếm, pháo chọi pháo, phòng ngự khu vực theo tuyến. Tháng 7/1983 ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự /Bộ Tổng tham mưu. Tháng 6/1990 là Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ - Môi trường quân sự Bộ Tổng tham mưu.
“…Trong đánh địch có công sự kiên cố cũng như đánh địch vận động. Phần lớn các trận đánh đều đạt hiệu quả cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí là một người chỉ huy có bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo, những nơi gặp khó khăn, những tình huống phức tạp, đồng chí thường được trên giao xuống trực tiếp tìm hiếu tình hình và tìm cách giúp đỡ đơn vị khắc phục. Đồng chí còn là một nhà giáo, nhà quản lý khoa học quân sự giỏi, với dày dặn kinh nghiệm qua thực tiễn chiến trường nhiều năm nên ông có uy tín lớn trong quân đội và nhân dân ta” (Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu).
Năm 1995 ông nghỉ hưu. Ngày 11/11 năm Quý Mùi 2003 sau một cơn đau tim đột ngột, tướng Hoàng Đan vào cõi vĩnh hằng. Với niềm tiếc thương vô hạn, Ban liên lạc Cựu chiến binh Bình Trị Thiên có thơ viếng:
Tướng giỏi như anh được mấy người.
Chiến công lừng lẫy khắp nơi nơi.
Sống tình, nghĩa, trung thành vô hạn.
Chết nhẹ nhàng về đất Mẹ Nghệ An.
Thật là:
Trí, dũng, tín, nhân thơm tiên tổ.
Lừng lẫy chiến công rạng giống nòi.
Trung - hiếu vẹn toàn muôn dân nhớ.
Nghĩa - tình sau trước vạn người noi.