Cha, con và những ước mơ được viết tiếp…

“Cha tôi rất hiếm khi để lộ cảm xúc của mình. Vậy mà ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, trước mộ một người lính của mình, tôi thấy vai ông run lên. Giọt nước mắt của ông đã khiến cậu bé con là tôi dần hiểu ý nghĩa của độc lập, tự do của chiến thắng, hòa bình, hiểu thế nào là mất mát, đau thương”...

Ngày 26/05/2024 | 0 phút đọc

Đó là những kỷ niệm của anh Hoàng Nam Tiến, 55 tuổi, nguyên Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT. Hiện anh là Phó Chủ tịch Hội đồng trường - Đại học FPT. Anh được biết đến là một nhà quản trị, chuyên gia công nghệ, cố vấn trong hoạt động khởi nghiệp, nhà giáo và diễn giả được yêu mến.

Vị tướng đi qua ba cuộc chiến tranh vệ quốc

Thiếu tướng Hoàng Đan sinh năm 1928, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng là cha của anh Hoàng Nam Tiến. Ông là hậu duệ đời thứ 21 của danh tướng đời nhà Trần Hoàng Tá Thốn, hiệu Sát Hải Đại Vương. Ông Hoàng Đan là cán bộ chỉ huy từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới. “Ba tôi là một vị tướng dày dạn trên chiến trường, trong cuộc sống ít khi biểu lộ cảm xúc trước các con. Nhưng tôi luôn cảm nhận ở ông tình yêu thương vô bờ bến với gia đình”, anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Trong cuốn sách “Tướng lĩnh và anh hùng quê hương Nghi Lộc, Nghệ An”, tác giả Thiên Việt đã khẳng định, danh xưng “hổ tướng” dành cho Thiếu tướng anh hùng Hoàng Đan quả không sai chút nào vì ông đã lừng danh từ những năm còn trẻ trong kháng chiến chống Pháp ở Khu 4 với danh hiệu “Kapi-tan” Đan làm khiếp vía kẻ thù.

Từ những trận đánh đầu tiên ở Cam Lộ tiến về Đông Hà, ngăn chặn địch tại Gio Linh, phục kích đánh tàu địch trên sông Đông Hà, phục kích và chống càn ở nam Vĩnh Linh, đánh quận lỵ Gio Linh... cho đến những trận chiến đấu ở Binh đoàn chủ lực, Chiến dịch Hòa Bình, Thu Đông năm 1952, Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi tới kháng chiến chống Mỹ, nhiều chiến trường quan trọng đã đều ghi dấu ấn của Thiếu tướng Hoàng Đan.

Thiếu tướng Hoàng Đan. Ảnh chụp tại chiến trường Khe Sanh năm 1968. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Thiếu tướng Hoàng Đan. Ảnh chụp tại chiến trường Khe Sanh năm 1968.

(Ảnh do gia đình cung cấp)

Bởi thế, trong lời giới thiệu đề dẫn mà nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu viết riêng cho Thiếu tướng Hoàng Đan trong cuốn sách “Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập” đã khẳng định: Nói đến đồng chí Hoàng Đan - Tướng Hoàng Đan toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong lĩnh vực quân sự, ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên các chiến trường từ những năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ với nhiều cương vị khác nhau: Chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn... tham gia nhiều chiến dịch lớn, am hiểu và tinh thông, sáng tạo vận dụng các hình thức, nghệ thuật tác chiến từ phân đội nhỏ đến các chiến dịch binh chủng hợp thành quy mô lớn trong tấn công, phòng ngự, trong đánh địch có công sự kiên cố cũng như địch đang vận động... Phần lớn các trận đánh đều đạt hiệu quả cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cũng từng dành những lời trân trọng khi nói về người đồng đội: Tướng Hoàng Đan là một tướng chiến trận, nơi nào cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh nổi tiếng…

Với những công lao to lớn, xuất sắc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, năm 2015, Thiếu tướng Hoàng Đan đã được truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bao năm chiến trận, ba anh luôn tâm niệm - với một người chỉ huy, ngoài chiến thắng thì phải luôn ghi nhớ mỗi một người lính ngã xuống là một người con, người cha, người anh... trong một gia đình.

Một người lính ngã xuống với một trận đánh là tổn thất nhỏ, nhưng với mỗi gia đình đó là mất mát không gì bù đắp được. Cho nên, khi anh Tiến lên Vị Xuyên còn được những người lính kể chuyện ba anh năm xưa khi chỉ huy ở đây, bị đau chân mà vẫn chống gậy mây đi vào hang, cách địch chỉ vài trăm mét để động viên bộ đội. Khi ấy, ông đã là Thiếu tướng, vẫn kê những thùng đạn để ngồi cùng lính rất đơn sơ, thân tình.

Viết tiếp những dang dở của cha

Anh Hoàng Nam Tiến, con trai út Thiếu tướng Hoàng Đan viết tiếp những gì còn dang dở của cha. (Ảnh: NVCC)

Anh Hoàng Nam Tiến, con trai út

Thiếu tướng Hoàng Đan viết tiếp những gì còn dang dở của cha. (Ảnh: NVCC)

Mới đây, anh Hoàng Nam Tiến đã cho ra mắt cuốn sách “Thư cho em” - là 400 lá thư đi dọc các cuộc chiến tranh của ba và mẹ anh. “Năm 2003, ba qua đời, tôi có lén mẹ giữ lại một hộp tài liệu với 400 bức thư. Sau khi bà mất năm 2022, tôi quyết tâm chia sẻ mối tình đẹp của hai người”.

Theo lời kể của anh Hoàng Nam Tiến, Thiếu tướng Hoàng Đan không có nhiều thời gian dành cho gia đình. “Ba tôi đã dành cả cuộc đời cho quân ngũ, gắn với chiến trường, nhà trường”, anh nói.

 

Anh nhớ mãi một kỷ niệm vào năm ba tuổi, khi đang ăn cơm, anh làm vỡ chiếc bát sứ Hải Dương, một đồ vật rất hiếm ngày ấy. Theo lời kể của anh trai, thấy cậu út sắp khóc đến nơi, ông đã thả rơi chiếc bát của mình khiến anh phá lên cười. Nhìn anh cười say sưa như vậy, ông vào chạn lấy ra bốn chiếc bát và tiếp tục đánh vỡ.

Từ khi biết đọc, anh Tiến nhớ chưa từng được ba bế hay ôm ấp, xoa đầu, động viên nhưng ông đều quan tâm mọi bước đi của anh. Những ngày đầu làm ở Tập đoàn FPT, công việc của anh Tiến khi ấy là bê, lắp và bán máy tính. Mẹ anh biết, bà thất vọng, nói thay lời của ba: “Tôi tưởng cậu làm vương làm tướng gì, hóa ra lại đi bán hàng”. Bởi ba muốn anh theo nghiệp nhà binh. Còn mẹ anh từng là Phó Giám đốc Sở Thương nghiệp, dưới quyền bà là hàng trăm cửa hàng, khoảng chục nghìn mậu dịch viên, bà cũng từng là một Đại biểu Quốc hội.

Nghe vậy, anh Tiến không buồn mà lấy đó là động lực lớn để thay đổi và anh đã làm được. Từ người cha của mình, anh học được việc đã là người đầu tàu, không cầm súng bắn địch thay lính, nhưng phải luôn làm gương. Ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam lưu giữ một kỷ vật về ông là bộ quần áo ngụy trang, được ông mặc năm 1974, khi bò vào sát hàng rào nhằm chọn hướng tấn công, bảo đảm cho trận đánh chắc thắng, giúp không có thương vong. “Là tướng giỏi nhưng suốt đời, ba chưa từng lên giọng, yêu cầu phải làm điều này, thứ kia mà luôn sống mẫu mực để mọi người noi theo”.

“Trong đời thường, ba tôi rất lãng mạn. Ông dành nhiều tình cảm cho gia đình, luôn là trung tâm đoàn kết của họ hàng. Tôi học được từ ba cách quan tâm bằng hành động thiết thực, không chỉ qua lời nói. Nghỉ hưu, ba không có nhiều tiền nên mỗi lần về quê, ông luôn hỏi tôi: “Cậu có tiền không, cho tôi một ít”. Sau đó, ông đến thăm các gia đình liệt sĩ ở trong xã. Hay thời điểm quê tôi bị lụt, ông mang theo một xe tải chở giống khoai tây ngắn ngày, có thể thu hoạch trong 45 - 60 ngày. Tôi hiểu rằng mỗi người hãy chăm lo quê hương mình, trước khi làm việc thiện ở bất cứ đâu”...

Trước Hoàng Nam Tiến, vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan có hai người con là Hoàng An, sinh năm 1958 và Hoàng Xuân Hồng, sinh năm 1960. Ký ức tuổi thơ trong anh Hoàng Nam Tiến là những cuộc ra đi rất vội vã của cha: “Chỉ 15 phút sau một cuộc điện thoại, hoặc có đồng chí nào đến đón, ba xếp vội vài bộ quần áo và cứ vậy lên đường”.

Trong trí nhớ của anh Hoàng Nam Tiến, đối với các con, Thiếu tướng Hoàng Đan chưa bao giờ áp đặt hay giáo dục bằng những lý luận kinh viện, sách vở. Ông truyền dạy cho các con bằng trải nghiệm thực tế của bản thân. Từ lúc 3 tuổi đến 13 tuổi, vào dịp hè, anh Tiến đều được theo ba lên đơn vị của ông, học nuôi gà, trồng khoai, sắn... Và anh Tiến 10 - 11 tuổi đã biết bắn nhiều loại súng, biết lái xe năm 12 tuổi, biết sơ cứu người bệnh, người bị thương… Ba anh không kể về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường cho các con. Thay vào đó, những dịp đặc biệt, ông đưa cả gia đình đi thăm lại những nơi mình từng chiến đấu.

Năm 11 tuổi, anh Hoàng Nam Tiến cùng gia đình lên ăn Tết cùng ba mình tại Lạng Sơn, nơi ông đang đóng quân. Anh cũng từng có cơ hội được ba đưa đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Trên hành trình ấy, qua mỗi địa điểm, anh lại được nghe ông kể về những chiến tích. “Cha tôi từng nói đã là người chỉ huy thì phải am tường về triết học, quân sự, kể cả là quản trị con người, công nghệ kỹ thuật. Nhiều câu chuyện của ba tôi kể vẫn mang tính thời sự mà đến ngày hôm nay, tôi vẫn có thể học hỏi được”, anh Hoàng Nam Tiến hồi tưởng.

Theo anh Hoàng Nam Tiến, Thiếu tướng Hoàng Đan là người nóng nảy và cứng rắn. “Ông yêu tôi nhưng cả đời mình, tôi chưa từng được ông ôm. Ngày ông nội tôi mất, ba tôi không khóc trước mặt gia đình. Vậy mà có một lần, khi đứng ở Nghĩa trang Trường Sơn, trước mộ của một người lính của ông đã hy sinh ở Quảng Trị, tôi thấy ba mình đã khóc, lần đầu tiên và duy nhất trong đời”…

Với vốn kiến thức uyên bác, khi về hưu, cha anh vẫn cần mẫn với việc viết hồi ký, những tác phẩm về nghệ thuật quân sự Việt Nam, về những năm tháng chiến tranh ông đã kinh qua cũng như những chuyện đời, chuyện người... Tiếc rằng, khi những trang viết này còn dang dở, ông đã qua đời đột ngột vào mùa đông năm 2003, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho vợ con, cũng như những người đồng chí, đồng đội từng có thời gian vào sinh, ra tử cùng ông. Tất cả những điều ý nghĩa trên đã theo anh Hoàng Nam Tiến suốt thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành và cho tới bây giờ, khi anh đang thực hiện ước mơ tạo điều kiện cho 30.000 người trẻ Việt Nam mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu ở Tập đoàn FPT.

Với cuốn sách về tình yêu, tình vợ chồng ở hai đầu nỗi nhớ, anh mong muốn viết tiếp ước mơ của ba mẹ, mang đến một cách tiếp cận gần gũi về lịch sử. Qua đó, giúp tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh nhân dân, về một thế hệ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc…

Lượt xem: 345
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm