Giấc mơ của tôi là đất nước mình chinh phục thế giới mà “không tốn xương máu”

Trước buổi trò chuyện này, Chủ tịch FPT Software (FSOFT) Hoàng Nam Tiến hẹn tôi lên F-Ville trên Hòa Lạc từ sáng sớm. Anh mời tôi ăn sáng tại công ty và dành hơn một tiếng đồng hồ dẫn tôi đi dạo, kể cho tôi nghe từng câu chuyện nhỏ về F-Ville.

Ngày 18/11/2022 | 0 phút đọc

"Hơn 3.000 nhân viên của chúng tôi ở đây đi xe bus đến công ty lúc 8h30 sáng mỗi ngày. Họ là tài sản quý nhất của FSOFT. Chúng tôi có trách nhiệm để mỗi ngày họ trở về nhà an toàn và khỏe mạnh khi đến công ty vào buổi sáng hôm sau...".

"Mẹ nói tôi chỉ là anh bán hàng..."

- Nhà báo Tô Lan Hương: Tôi đã nghe kể về anh từ rất lâu trước khi gặp, biết là anh có một xuất thân không tầm thường. Ba anh - tướng Hoàng Đan - là một vị tướng trận rất nổi tiếng. Vì sao anh lại trở thành doanh nhân chứ không theo binh nghiệp - lựa chọn mà rõ ràng sẽ cho anh rất nhiều hậu thuẫn?

- Hoàng Nam Tiến: Thật ra nói cho chính xác thì tôi đã từng vào quân đội làm việc nửa ngày. Khi tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ba dẫn tôi đến Bộ Tư lệnh Thông tin, chính là Viettel bây giờ để làm việc. Lúc đó ba tôi là Cục trưởng Cục Khoa học quân sự Bộ Tổng tham mưu, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trước đó, ông còn là Phó Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp.

Ngày đầu tiên đi làm, chỉ tính đến trước buổi trưa, tôi đã được người ta giới thiệu là "con của thủ trưởng Hoàng Đan" không dưới 5 lần. Đến buổi chiều thì tôi nói với ba: “Con không làm nữa”. Lúc ấy tình cờ tôi gặp anh Bùi Quang Ngọc (Tổng Giám đốc FPT bây giờ). Anh Ngọc cũng là thầy giáo của tôi ở Đại học Bách khoa. Anh rủ tôi về FPT làm và từ đấy đến nay là 24 năm, tôi chưa làm chỗ nào khác.

- Chắc anh đã làm ba mình thất vọng lắm với quyết định đó?

+ Khi tôi lấy vợ vào năm thứ tư đại học, ba tôi buồn lắm. Ông bảo: “Cậu chưa nuôi sống được bản thân mà còn đòi nuôi vợ con. Chắc tôi lại phải nuôi đúng không?”. Đó có lẽ là điều tôi khiến ông thất vọng sâu sắc nhất chứ không phải chuyện tôi từ chối vào quân đội. Nhưng tôi biết, ông tiếc cho tôi với lựa chọn sự nghiệp của tôi!

Ba tôi là người viết rất nhiều sách về nghệ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam mà đến ngày hôm nay vẫn đang được sử dụng để giảng dạy. Những tác phẩm kinh điển nhất liên quan đến nghệ thuật quân sự cũng có tên ba tôi trong vai trò người soạn thảo. Mọi người có thể ngạc nhiên khi biết đấy chính là sách đọc giải trí của tôi hồi bé. 

Và tôi dám chắc là tôi thạo về lịch sử quân sự, thậm chí là nghệ thuật quân sự. Hẳn là ba đã nghĩ tôi có tố chất và có thể phát triển, cũng như tôi sẽ có được nhiều điều kiện thuận lợi nếu nối nghiệp ông.

- Nhưng mà sự lựa chọn của anh sáng suốt đấy chứ! Tôi nghĩ hẳn ba mẹ có thể tự hào vì anh đã tự mình khẳng định bản thân?

+ Ba tôi ngày xưa là tướng nhưng mẹ tôi mới là người có uy quyền và ảnh hưởng lớn hơn. Bà là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Thương nghiệp. Với ảnh hưởng của bà thời bao cấp, bà có thể xin cho tôi vào bất kì bộ, ban, ngành nào của Nhà nước. Tôi phải nói với mẹ rằng tôi làm ở Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), vì khi đó FPT trực thuộc Bộ này. Mẹ tưởng tôi làm nghiên cứu nên đồng ý.

Nhưng khi mới vào FPT, tôi đi bán máy tính. Mà thời đó mua máy tính rất khó khăn nên ai cũng gọi đến tôi để mua máy. Mẹ tôi biết chuyện bèn nói: “Tôi tưởng cậu về Bộ KHCN làm vương làm tướng gì, hóa ra chỉ làm anh bán hàng”.

 

Giấc mơ của tôi là đất nước mình chinh phục thế giới mà “không tốn xương máu”

- Nhưng bây giờ anh đã là Chủ tịch FPT Software kia mà?

+ Cách đây mấy năm, khi mẹ tôi còn minh mẫn hơn bây giờ, bà hỏi tôi: “Cậu bao nhiêu tuổi rồi?”. Tôi trả lời: “Năm nay con 45”. Bà hỏi tiếp: “Cậu bây giờ có bao nhiêu ngàn quân?”. Tôi trả lời: “Con có 5 ngàn”. Bà bảo: “Không được, 45 tuổi, bố cậu là đại tá, 10 ngàn quân”. Tôi bèn lí luận: “Mẹ ơi nhưng mà 5 ngàn người của con là 5 ngàn kỹ sư”. Bà khảng khái: “10 ngàn là 10 ngàn!”. Ghê chưa?

Với tôi, chuyện này có ý nghĩa rất lớn. Năm 2015, tôi đặt quyết tâm FSOFT phải có 30 ngàn người vào năm 2020 - lúc tôi 51 tuổi. Tôi nghĩ rằng 30 ngàn người tương đương với một quân đoàn. Ở độ tuổi đấy, ba tôi cũng là tư lệnh quân đoàn. Tôi dĩ nhiên không dám so sánh, bởi ba tôi là Anh hùng LLVTND, ông đã trải qua 30-40 năm chiến đấu, mình không thể đạt đến “đẳng cấp” đấy. Nhưng ít ra tôi cũng muốn phấn đấu với ba về con số!

Nếu đã làm thì phải trở thành số một

- Chuyện mẹ anh "chê" anh chỉ là anh bán hàng có làm anh bận tâm? Giờ nhiều người vẫn nói FPT không phải là công ty công nghệ mà chỉ đi bán hàng?

+ Cái này tôi đã giải thích 1.000 lần, giờ thành 1.001 lần thì cũng không sao. Trên thế giới, lĩnh vực phần mềm chia làm 2 nhóm công ty. Nhóm thứ nhất làm ra các sản phẩm phần mềm (software product) mà Microsoft là điển hình, tức là họ làm ra những phần mềm và sau đó họ đem đi bán. Nhóm thứ hai, lớn hơn rất nhiều nhưng không biết tại sao ở Việt Nam người ta ít để ý đến, cũng là những công ty hàng đầu thế giới như IBM, Accenture...

Đấy là nhóm công ty làm dịch vụ phần mềm (software services). Số này đông hơn rất rất nhiều những công ty làm software product. Và FSOFT đang là công ty software services. Mà dịch vụ thì tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nhiều.

Dĩ nhiên con đường làm software product là con đường mà công ty công nghệ nào cũng  phấn đấu. Và tất cả các công ty software services đến một thời điểm nào đó vẫn có thể làm product rất xuất sắc, như IBM chẳng hạn. FSOFT cũng tiến đến rất gần cái đích đó rồi.

- Dù chọn con đường không dựa vào uy thế của ba mình, anh vẫn thăng tiến rất nhanh, với một sự nghiệp cứ như được trải thảm tại FPT. Đó là nhờ tài năng, nhờ sự nâng đỡ hay may mắn?

+ Tôi nghĩ tôi tài năng vừa phải nhưng may mắn. Ba tôi cả đời xông pha trận mạc mà chưa một lần trúng phải mũi tên hòn đạn nào, ông hay nói đó là vì phúc đức của bố mẹ và người vợ hiền để lại cho ông. Tôi cũng vậy, tôi hay đùa với mọi người tôi được "cô thương".

Tôi học công nghệ thông tin, ra trường đúng thời điểm bùng nổ của ngành này, thị trường tăng nhanh, nhu cầu xã hội lớn, thế là mình cứ phát triển theo. Về sau này, chúng tôi kinh doanh thêm điện thoại di động cũng thành công nhờ đúng thời điểm. Bạn bè tôi, họ kinh doanh điện thoại di động sớm hơn thì khó khăn kinh khủng. May mắn là ở đó.

Nhưng tôi cũng có một quan điểm - thứ mà tôi được ảnh hưởng sâu sắc từ anh Trương Gia Bình: Không làm thì thôi, đã làm thì phải ở vị trí số một. Nếu FPT hợp tác với những công ty nước ngoài thì sẽ phấn đấu hợp tác với những tập đoàn thuộc top 3 thế giới.

Ngay từ những ngày toàn cầu hóa (go global) đầu tiên, chúng tôi đã làm việc với những người giỏi nhất. Trong chiến lược Go global hiện nay của mình, chúng tôi xác định mục tiêu là "Whale hunting" -  tập trung săn cá voi.

- Nhưng tôi nghe nói, lúc mới Go global, anh và FSOFT thất bại rất nhiều!

+ Thực ra, thị trường Việt Nam đã trở nên giới hạn với tham vọng, mong muốn của  FPT. Vì vậy việc vươn ra toàn cầu là tất yếu. Khi ra toàn cầu, nơi đầu tiên chúng tôi chọn là Mỹ, đến Silicon Valley mở văn phòng. Một năm ở đó chẳng ai thuê mình.

Tất cả những gì chúng tôi có thể nghĩ ra để làm thì đều làm hết, ví dụ như vận động quan hệ chính phủ, vận động quan hệ của các tập đoàn lớn, nhờ các bạn quen biết, thậm chí là nhờ các bạn Việt kiều hay các cô cắt tóc gội đầu bên đấy. Cô cắt tóc gội đầu giới thiệu ở Silicon Valley có ông giám đốc công ty rất lớn cứ 2 tuần/lần cắt tóc ở đây, chúng tôi thậm chí còn đến đúng ngày đúng giờ để làm quen...

Nói chung là chúng tôi đã bày ra trăm mưu ngàn kế nhưng đều không đạt kết quả và phải đóng cửa sau khi tiêu hết một đống tiền. Chúng tôi lại sang Ấn Độ mở công ty ở Bangalore và điều động những người tốt nhất sang đấy. Một năm sau, chi nhánh Bangalore lại đóng cửa tiếp.

Nhưng khi mà mình đã dành toàn bộ tâm huyết cho công việc, tiên ông tiên bà sẽ phù hộ. “Tiên ông tiên bà” của FSOFT trong trường hợp này là Nhật Bản.

Từ đầu những năm 2000, Nhật Bản đã nhận thấy rất rõ thực trạng rằng các doanh nghiệp nội địa đang bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Lúc ấy, Chính phủ Nhật Bản đã có chủ trương “Trung Quốc+1", dù không công khai.

Trong lĩnh vực phần mềm, họ chọn Ấn Độ, Philippines và tình cờ thế nào lại có Việt Nam. Người Nhật nói với chúng tôi: Trong 5 nước ăn đũa (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam) thì duy nhất còn Việt Nam là nghèo và Việt Nam lại gần gũi với Nhật Bản. Và họ cho rằng có thể đặt hy vọng vào đây.

Tất nhiên, không thể không nói đến sự nỗ lực điên cuồng của FPT và nhiều công ty khác nữa. Hiện giờ, ở Nhật Bản chúng tôi có 920 người, đều là kỹ sư hết. Tôi có khoảng 6.000 nhân viên ở Việt Nam làm cho thị trường Nhật Bản. Và hôm nay tôi có thể tự hào khoe 47 trong số 100 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản là khách hàng của chúng tôi.

Không chỉ ở Nhật, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang là khách hàng của FSOFT, nhưng vì nguyên tắc tôi không được phép tiết lộ tên các khách hàng đó với bạn. Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện vui này: cách đây mấy năm tôi đi chiếc xe Lexus. Nhưng tôi đã bán nó để đổi sang một chiếc xe Đức vì chiếc xe đó có sử dụng phần mềm do chúng tôi làm. Khi ngồi trên chiếc xe với bạn bè, với khách hàng, tôi rất tự hào được kể điều đó với họ.

- Như những gì tôi biết, những doanh nghiệp lớn Việt Nam Go global đến thời điểm này có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà tiêu biểu là Viettel và FPT. Những doanh nghiệp ở một nước nhỏ như chúng ta khi "ra biển lớn", "săn cá voi", thách thức có nhiều không?

+ Ra nước ngoài thì tất cả doanh nghiệp Việt đều gặp rất nhiều thách thức. Viettel là tấm gương lớn cho tất cả các công ty Việt Nam. Khi các bạn nước ngoài đề nghị giới thiệu cho họ một tập đoàn tiêu biểu của Việt Nam, thì câu trả lời của tôi luôn là Viettel. Viettel có con số đủ tầm cỡ, doanh thu 10 tỷ USD, lợi nhuận lớn hơn của FPT.

Nhưng, chiến lược của Viettel là đi vào các quốc gia có nền kinh tế chậm phát triển hơn hoặc tương đương Việt Nam. Còn với chiến lược chúng tôi đang theo đuổi, tất cả các quốc gia cho đến nay FPT đã từng làm việc đều là những nước phát triển nhất thế giới cả về kinh tế và công nghệ. Nên thách thức với chúng tôi cũng sẽ khác. Chúng tôi cũng rất tự tin là con đường mình đi là đúng hướng và rất nhiều cơ hội.

Giấc mơ của tôi là đất nước mình chinh phục thế giới mà “không tốn xương máu”

- Theo anh những lựa chọn đúng hướng đóá là may hay là khôn?

+ Chủ tịch FPT Trương Gia Bình luôn đặt yêu cầu khi Go global là phải được gặp người lãnh đạo cao nhất của công ty đối tác, đó là yêu cầu rất khó. Tôi thường hay đùa, việc anh Bình muốn gặp những lãnh đạo của các tập đoàn lớn trên thế giới thì cũng tương đương như chuyện một anh chủ cửa hàng điện thoại ở Mù Cang Chải xin gặp anh Bình. Và nếu gặp được thì phải nói gì với họ? Chẳng lẽ chỉ để bắt tay, nói với nhau vài câu xã giao chiếu lệ?

Mỗi cuộc gặp đó, chúng tôi phải nói với khách hàng của mình về những điều làm họ hứng thú, chúng tôi phải nói những câu chuyện khiến mình bình đẳng với họ. Năm 2017, cả đất nước ta đang nói về cách mạng công nghiệp 4.0 thì may quá, cách đây 2 năm chúng tôi đã nói về chuyện đó với khách hàng của mình rồi.

Giờ là lúc cả thế giới đang chuyển dịch số, và nó là thuật ngữ mới không chỉ ở Việt Nam mà là ở tất cả tập đoàn lớn nhất và quốc gia lớn nhất. Thay vì trình bày, bao giờ chúng tôi cũng hỏi ngược lại khách hàng về chiến lược chuyển dịch số của họ và đề xuất với họ những giải pháp có thể giúp ích cho chiến lược của họ.

Hôm nay tôi có thể tự hào rằng, những tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, những ngân hàng lớn nhất thế giới... là khách hàng của chúng tôi. Và tất cả những khách hàng ấy đều xuất phát từ một điểm rất quan trọng, đó là “Chuyển dịch số” - Digital transformation.

Định danh Việt Nam là sứ mệnh của những người trẻ

- Khi FPT bước ra thế giới, ngoài tham vọng “săn cá voi”, các anh còn có khát vọng gì nữa?

+ Mỗi người đều có một giấc mơ riêng. Như anh Trương Gia Bình là người trưởng thành từ thời kỳ chiến tranh. Khi sang Nga, sang Đức, nhận thấy vị thế của Việt Nam tương đối thấp, anh Bình rất mong muốn người Việt bằng trí tuệ có thể vươn ra thế giới để có một vị thế trên toàn cầu. Điều thứ hai, tôi đoán, anh Bình đặt cho mình sứ mệnh là người phục vụ đất nước, phục vụ con người. Go global cũng là một phần của sứ mệnh đó.

- Và đó cũng là chí hướng của anh?

+ Ba tôi là tướng trận. Ông đánh giặc từ năm 1946, lần đánh nhau cuối cùng của ông là năm 1989 ở biên giới phía Bắc.  Có một điều ông ít khi nói ra, trong suốt 43 năm, do điều kiện chiến tranh, quân ta thường phải đánh nhau với những kẻ địch mạnh hơn hẳn, vì vậy tổn thất nhiều hơn. Dưới quyền trực tiếp của ba tôi, có nhiều người lính đã ngã xuống. Tất nhiên, không có chiến thắng nào là không có tổn thất...

Rất ít người biết rằng con số 30 nghìn người FSOFT đặt ra trong chiến lược 1B2020 mà tôi đã nhắc đến lúc nãy là tôi cũng có liên quan đến câu chuyện của ba. Tôi mong muốn, 30 ngàn bạn đó, thậm chí là nhiều hơn nữa, sẽ trở thành niềm tự hào của Việt Nam, sẽ bước sang các quốc gia phát triển hùng mạnh khác để làm việc, sẽ chinh phục được thế giới mà không phải quăng mình vào mũi tên hòn đạn, không tốn một giọt máu nào mà vẫn được công nhận.

Một lần tôi sang Ý, uống cafe giữa lòng nước Ý, một người bạn nói với tôi: "Cafe này của Việt Nam, do tụi anh trồng". Tôi thấy xúc động. Cũng giống như tôi rất tự hào khi ngày ngày đang đi một chiếc xe mà tôi và nhân viên của tôi có góp một phần làm nên nó.

- Vậy khát vọng của anh là định danh Việt Nam trên bản đồ thế giới bằng trí tuệ của người Việt?

+ Đó không phải là khát vọng nữa! Sự thật là FPT chúng tôi bao nhiêu năm nay đã làm việc đó bằng những công việc cụ thể, bằng những bạn trẻ mà chúng tôi gửi ra toàn cầu làm việc. Không phải bằng lời nói, mà bằng chính công việc các bạn đang làm hằng ngày, các đại sứ trẻ của chúng tôi đang gửi đi thông điệp đến các khách hàng đối tác của FPT trên toàn cầu về trí tuệ Việt Nam.

Ở FPT, chúng tôi chuẩn bị cho những đại sứ trẻ ấy một hành trang để khi Go global, thứ họ đem lại cho đất nước là sự tự hào chứ không phải nỗi xấu hổ, là sự tôn trọng trong mắt bạn bè quốc tế chứ không phải sự coi thường.

Với chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện nay, mỗi nhân viên chúng tôi nhận về FPT đều phải đào tạo lại, trang bị thêm kiến thức. Nhưng không chỉ là kiến thức, cái chúng tôi trang bị cho các bạn ấy còn là cả những thói quen văn minh.

Từ những chi tiết rất nhỏ thôi, ví dụ như vứt rác phải đúng chỗ, hay đứng lên phải xếp ghế, xếp hàng thì phải giữ khoảng cách 50cm, tự dọn dẹp đĩa cơm mình ăn, làm việc với tính kỉ luật cao, thói quen đúng giờ, tôn trọng văn hóa và sự khác biệt... tất cả các bạn đều được học. Chúng tôi muốn trang bị cho các bạn trẻ những hành trang dù là nhỏ nhất để khi bước ra toàn cầu, các bạn sẵn sàng để hòa nhập.

Giấc mơ của tôi là đất nước mình chinh phục thế giới mà “không tốn xương máu”

- Khi nói về việc tạo dựng vị thế Việt Nam, tôi thấy nhiều người hay nói đến những chuyện to tát. Nhưng anh lại nói, vị thế của Việt Nam sẽ tạo được bằng chính những người trẻ như những người mà anh tuyển vào FPT...

+ Bạn có nhớ bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân không? Có câu: "Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân!”.

Người lính ấy không có tên, nhưng chính anh đã tạo nên vị thế Việt Nam. Tôi cũng tin rằng những bạn trẻ Việt Nam hôm nay có thể chưa ai biết đến tên, nhưng chính các bạn ấy sẽ làm nên cái tên Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Chúng ta cần những cá nhân xuất sắc như Trương Gia Bình, như Phạm Nhật Vượng, như Ngô Bảo Châu, như Nguyễn Hà Đông... Nhưng chúng ta cũng cần những chiến binh âm thầm ngày ngày mang niềm tự hào Việt Nam trong mỗi công việc họ làm với đồng nghiệp trên khắp thế giới. Đó là cách chúng tôi hướng đến.

Như bây giờ tôi có thể tự hào vì Việt Nam đang là 1 trong 3 lựa chọn đầu tiên của các công ty Nhật khi muốn làm phần mềm. Và vinh quang đó thuộc về ai? Chính là những người trẻ chưa ai biết tên đó!

- Như những người trẻ ở FSOFT đang Go global, họ tạo ra lợi nhuận cho công ty anh. Còn giá trị mà họ tạo ra cho đất nước sẽ là gì?

+ Lẽ nào làm cho công ty thì không phải làm cho đất nước?  Hàng chục ngàn bạn trẻ đó đang ngày đêm cần mẫn mang những đồng ngoại tệ về cho đất nước, bên cạnh đó họ còn mang rất nhiều tri thức học từ những nước phát triển nhất trên thế giới về Việt Nam.

Cách đây 15 năm, ở Nhật Bản chẳng ai nghĩ đến chuyện sang Việt Nam làm phần mềm. Tất nhiên, không có FSOFT thì cũng có những công ty khác, nhưng FSOFT là một trong những tác nhân đầu tiên khiến những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản quyết định sang Việt Nam làm phần mềm. Đến nay đã có hàng trăm công ty ở Việt Nam làm phần mềm cho Nhật Bản. Số lượng công ty và doanh số đến từ thị trường này sẽ ngày càng tăng.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương... cũng đã hướng đến Việt Nam để tìm kiếm hợp tác. Tôi không che giấu niềm tự hào rằng những bạn trẻ của tôi, FSOFT của tôi đã và đang góp phần định danh Việt Nam trên bản đồ thế giới trên lĩnh vực công nghệ. Tôi cũng xin khoe rằng, ngày hôm nay chúng tôi đã có 13.000 bạn trẻ như thế.

Nhưng chúng ta cần nhiều hơn một Viettel, hay một FPT, chúng ta cần hàng trăm doanh nghiệp như thế. Đất nước không chỉ cần vài chục nghìn mà cần cả triệu người trẻ bằng tri thức và sự văn minh ghi danh Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.

- Như những gì mà tôi biết về gia đình anh, thì gia đình anh cũng là một gia đình tiêu biểu đại diện cho xu thế Go global. Con trai anh sống ở Hà Nội, con gái út của anh ở TP HCM, 2 người con gái khác của anh, một người làm việc ở Mỹ, một người đang học tập ở Singapore. Và tôi vẫn thấy anh đi lại như con thoi giữa Hà Nội - TP HCM - Singapore - Mỹ vừa để lo chuyện kinh doanh, vừa thăm con. Một gia đình toàn cầu như gia đình anh, thì cuộc sống có khác biệt gì thú vị?

+ Khác biệt buồn cười lắm, ví dụ, trong cùng một ngày, một tên thì khoe là vừa ăn bít tết ở North Carolina, một tên thì khoe là vừa ăn dimsum ở Singapore, tôi thì khoe ăn bắp luộc ở Hà Nội...

Mỗi năm gia đình tôi chỉ có một cuộc gặp mặt đoàn tụ đầy đủ thực sự, địa điểm tùy chọn. Cũng may thời buổi này, công nghệ có thể giúp người ta xóa nhòa khoảng cách. Và tôi cũng cố gắng, khi sang Mỹ hay sang Singapore, đều dành những buổi tối để ngồi ăn với gia đình mình.

Ngoài ra thì gia đình tôi có một cuộc sống bình thường, chia sẻ với nhau từ những điều nhỏ nhặtí. Ví dụ tôi lập một group riêng trên Facebook mà chỉ có các thành viên trong gia đình tôi, gần như ngày nào chúng tôi cũng gửi cho nhau những thứ từ rất đơn giản như là việc mình được ăn một món ăn ngon, hoặc là những câu chuyện nhỏ nhặt vừa diễn ra trong ngày... Tôi vẫn duy trì việc mua đồ lót cho con gái, tôi nhớ chính xác size đồ của con gái tôi, tôi biết con mặc đồ hãng nào...

- Còn chuyện chuẩn bị cho con cái hành trang để Go global thì sao? Anh có rèn luyện con cái như anh rèn luyện nhân viên của mình?

+ Nguyên tắc của tôi là không bao giờ lên lớp con cái. Tôi kể cho chúng nghe những câu chuyện tôi chứng kiến, và để chúng suy nghĩ và tự rút ra bài học.

Cái khó nhất với người làm cha như tôi là định hướng nghề nghiệp. Tôi nhận thấy rằng phần lớn các bạn khi tốt nghiệp đại học xong thì mới nhận ra rằng mình đã học một thứ không phù hợp với mình, nhưng mà lỡ rồi thì phải chịu!

Tất cả các con tôi đều áp dụng phương pháp giống nhau. Năm lớp 11, tôi cùng con thảo luận về các loại trường, các loại nghề. Sau đó chúng tôi sẽ dành ra ít nhất 1 tuần để bay ra nước ngoài thăm các trường đó, sau đó lại tiếp tục thảo luận con chọn trường nào. Câu hỏi tôi dành cho con là “Con chọn trường nào?”, chứ không phải là “Chúng ta chọn trường nào?”. Hai câu hỏi đó khác nhau rất lớn. Có thể con sẽ sai, khi đó mình sẽ cố gắng cung cấp thêm thông tin.

- Sau tất cả các con anh đã chọn những gì? Và sự lựa chọn ấy đều hợp ý anh?

+ Con gái lớn tôi học chuyên ngành về hệ thống thông tin, giờ đang làm ở Bank of America tại Mỹ, chuyên ngành phân tích dữ liệu và được đánh giá tốt. Đó hoàn toàn là lựa chọn của con. Con gái thứ của tôi chọn ngành Du lịch khách sạn, không liên quan gì đến ngành nghề của tôi. Con bé là người rất chu đáo, cẩn trọng. Cháu sẽ nhập học ở một trong những trường đại học lớn nhất Nhật Bản, thành thạo nhiều ngoại ngữ, thành ra tôi nghĩ ngành đó sẽ rất tốt cho nó và các cơ hội việc làm là rất rộng mở.

Lựa chọn của con trai tôi là làm kinh doanh. Tôi thì không thích lắm, chắc cảm giác này cũng giống như ba tôi ngày xưa khi không hài lòng về tôi. Cậu ấy có toàn bộ nhược điểm của tôi: rất thích ăn đồ Việt Nam, thích trò chuyện bằng tiếng Việt dù tiếng Anh, Pháp đều tốt. Tại sao tôi lại coi đó là nhược điểm?

Có một câu nói mà tôi rất thích “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Nghĩa là nếu tôi cử cậu ấy sang Nhật Bản 3 tháng thôi là kiểu gì cậu ấy cũng nhớ nhà không chịu được và xin về, mặc dù lúc trước khi sang cũng hồ hởi lắm.

Go global vừa cần phẩm chất, vừa là lựa chọn cá nhân. Nên tôi hài lòng và tôn trọng sự lựa chọn của con cái mình...

- Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Tô Lan Hương - Công An Nhân Dân - 25/12/2017

Lượt xem: 605
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm