Ngay khi cầm trên tay cuốn sách này, điều đầu tiên bật ra trong đầu tôi đó là Phan Đăng phải rất may mắn vì có cơ hội trò chuyện với những người như vậy. Có nhiều người trong số 39 người này, tôi biết và chơi thân, và cũng có nhiều người tôi ngưỡng mộ về tri thức, về nhân cách.
Nhưng các bạn trẻ càng may mắn hơn khi mà chỉ với một cuốn sách không quá dày, các bạn đã tiếp cận được lượng kiến thức có lẽ phải dành hàng thập kỷ trong cuộc đời cũng khó lòng đọc đủ, hiểu đủ.
Người trẻ đang đứng trước một thời điểm đầy khó khăn, đầy biến động, “những biến động trong tất cả các lĩnh vực, những biến động diễn ra với biên độ ngày càng lớn, và gia tốc ngày càng tăng (...) Những biến động thách thức mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ, trong tâm thế người khám phá và người mới bắt đầu.
39 cuộc đối thoại cho người trẻ - cuốn sách thứ 2 của Phan Đăng. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô
Để thích ứng với biến động, để đủ sức đối đầu và vượt thách thức, để không hoang mang, mất phương hướng trong muôn hình muôn vẻ của biến thiên thời thế, người trẻ nhất định phải tìm về những gốc rễ, những giá trị cơ bản để xác định hướng đi đúng, từ đó nuôi dưỡng ý chí và giữ vững niềm lạc quan tin tưởng của chính mình. Dù biến thiên có thể gây ra đảo lộn, nhưng quy luật sẽ giúp chúng ta hành động vững vàng”.
Tôi cho rằng người trẻ cũng đang phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm. Chúng ta đã có cả một thời kỳ dài cha ông sống và đấu tranh theo lý tưởng độc lập giải phóng. Vậy lý tưởng của người trẻ trong thời đại mới là gì? Các bạn phải sống như thế nào để xứng đáng khi “đứng trên vai người khổng lồ”? Nên tin và lựa chọn thế nào trong xã hội đầy biến động? Chúng ta phải học ra sao để chung sống với những sản phẩm công nghệ ngày càng thông minh hơn?
Cả cuốn sách là chuỗi những câu hỏi về niềm tin, về những lựa chọn trong bối cảnh không ngừng biến đổi, ranh giới giữa sự tử tế, chân thật với tiêu cực, mục nát quá đỗi mong manh.
Điều tôi thích nhất ở cuốn sách này đó là nó đi đến tận cùng của vấn đề, những câu trả lời đầy tính thời cuộc, đầy hiện sinh dành cho những câu hỏi cũng hết sức sắc bén. Nó khai phóng, giải mã những lựa chọn dưới nhiều lăng kính khác nhau, từ những nhà nghiên cứu như GS TS Trần Ngọc Vương, PGS TS Nguyễn Lân Hiếu, TS Hán Nôm Trần Trọng Dương, TS Trần Ngọc Hiếu… đến những “thiên tài” từng gây chấn động như Lê Bá Khánh Trình, Phạm Kim Hùng, Lương Tuấn Thành, cả những văn nghệ sĩ đầy sức ảnh hưởng như nhà thơ Vũ Quần Phương, ca sĩ Tùng Dương, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho đến những người hoạch định chính sách và đóng vị trí quan trọng là TS Nguyễn Sĩ Dũng, Đại sứ Mĩ tại Việt Nam ông Daniel J. Kritenbrink, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng…
Tôi tin chắc rằng, các bạn sẽ tìm thấy con đường của riêng mình, để trả lời những câu hỏi đơn giản nhất nhưng cũng đầy chất triết học nhất.
Trân trọng!
HOÀNG NAM TIẾN