LGT sách “Lãnh đạo – 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới”
Đọc “Lãnh đạo” từ góc nhìn lãnh đạo
Henry Kissinger là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất, cũng là nhà ngoại giao tạo ra nhiều tranh cãi nhất của thế kỷ 20. Hoạt động của ông đã ảnh hưởng tới trật tự thế giới lúc bấy giờ, dấu ấn ngoại giao của ông in trên những mặt trận nóng bỏng nhất : Mỹ - Châu Âu, Mỹ - Trung Đông, Mỹ - Liên Xô, Mỹ - Trung Quốc và đương nhiên không thể thiếu Mỹ - Việt Nam.
Khi nhắc đến Kissinger, người Việt biết đến ông chủ yếu trong kháng chiến chống Mỹ, khi ông ở bên kia chiến tuyến. Ông cùng Tổng thống Mỹ Richard Nixon trực tiếp khiến chiến tranh Việt Nam ngày một leo thang những năm 70 của thế kỷ trước; đã tạo ra cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B52 của Mỹ kéo dài 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội. Trên mặt trận ngoại giao, những màn đấu trí giữa ông và nhà ngoại giao Lê Đức Thọ của ta trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định Paris là một phần không thể bỏ qua. Giới học thuật và độc giả sau này lại biết đến nhiều tác phẩm Kissinger ở lĩnh vực chính trị, quân sự, lịch sử, ngoại giao… nhiều đầu sách của ông đã trở nên quen thuộc với sinh viên Khoa học xã hội Nhân văn và giới nghiên cứu tại Việt Nam như Trật tự thế giới, Về Trung Quốc…
Với những dấu ấn ấy, không thể phủ nhận Kissinger đã sống một cuộc sống đặc biệt mà khá ít người trong thế kỷ 20 – 21 có thể trải qua. Trong gần 70 năm sự nghiệp, Kissinger đã có cơ may hơn rất nhiều chính khách khác khi được làm việc, tiếp xúc và trở thành bạn bè với rất nhiều nhà lãnh đạo. Với vị thế có một không hai ấy, Kissinger có những tổng kết rất toàn vẹn về các nhà lãnh đạo trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, vừa có sự tách biệt trong quan điểm được hình thành bởi những quan sát, trải nghiệm cá nhân của ông. Cuốn “Lãnh đạo – 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới” bạn đang cầm trên tay là một phần của những trải nghiệm ấy.
Trong tác phẩm, ông phân tích chiến lược 6 nhà lãnh đạo sử dụng để củng cố phát triển đất nước mình, làm nên một trật tự thế giới mới trong thời kỳ biến động nhất. Đó là Konrad Adenauer (Đức) với chiến lược nhún nhường, Charles de Gaulle (Pháp) với chiến lược của ý chí, Richard Nixon (Mỹ - người ông phụng sự) với chiến lược cân bằng, Anwar Sadat (Ai Cập) với chiến lược siêu việt, Lý Quang Diệu (Singapore) với chiến lược ưu tú và Margaret Thatcher (Anh) với chiến lược vững lòng tin.
Câu chuyện về 6 nhà lãnh đạo được Kissinger chia sẻ không chỉ qua các quyết định có tính lịch sử của họ, mà còn bằng những câu chuyện, ký ức của ông khi có một thời gian dài gặp gỡ, làm việc và trở thành bạn bè với họ khi Kissinger hoạt động trong vai trò Ngoại trưởng Mỹ và sau đó là Cố vấn cho các đời Tổng thống. Chính điều này tạo nên sự khác biệt trong tác phẩm – bạn đọc tiếp cận một cuốn sách về lãnh đạo, qua những sự kiện lịch sử phức tạp, nhưng rất hấp dẫn vì được kể chuyện khéo léo, đồng thời không thiếu những đúc rút hàn lâm của một học giả.
Kissinger có phần mở đầu và tổng kết tác phẩm rất có giá trị. Trước khi trình bày vai trò và đóng góp của 6 lãnh đạo, ông đã dành những trang đầu tiên của tác phẩm để khái quát các kiểu mẫu/ tính cách lãnh đạo, khái quát vai trò đặc biệt và sự cần thiết của các lãnh đạo phù hợp trong hoàn cảnh biến động sẽ tạo ra thay đổi đến thế nào. Từ góc độ một nhà nghiên cứu, một học giả và một nhà quản trị, ông đưa ra những lý giải ngắn gọn cho việc vì sao một lãnh đạo trở nên xuất chúng trong sự nghiệp của mình và tạo ra đóng góp cho đất nước/ khu vực/ thế giới.
Sau khi đưa độc giả đi một vòng qua cuộc đời những lãnh đạo kiệt xuất, ở phần cuối, ông tổng kết quá trình phát triển của các lãnh đạo, phân tích vai trò của các yếu tố về giáo dục, thời cuộc… ảnh hưởng đến sự hình thành một thủ lĩnh và rút ra bài học dành cho chúng ta.
Những nội dung này có giá trị nhất với những nhà lãnh đạo, nhà quản lý và hoạch định chính sách trong việc hiểu về quá khứ, về sự hình thành lãnh đạo, về sức mạnh của những quyết định ở thời điểm quan trọng… đồng thời có được những đúc kết riêng cho bản thân mình. Trong một xã hội bùng nổ thông tin và có phần hỗn loạn, thì việc tìm hiểu được và học tập kinh nghiệm, tri thức từ những “guru” đã thiết lập nên lịch sử đương đại như Kissinger sẽ cho bạn một lợi thế đặc biệt, dù bạn có là một lãnh đạo hay không.
Với cá nhân tôi, trong vai trò một nhà quản trị, tôi chưa bao giờ thôi hứng thú với câu chuyện xung quanh các nhà lãnh đạo, thủ lĩnh tinh thần, khắp thế giới và mọi giai đoạn trong lịch sử. Vì vậy, tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho một trong những tác phẩm cuối cùng trong đời Kissinger. Cuốn sách hấp dẫn tôi không chỉ vì sự ảnh hưởng của ông đến mối quan hệ quốc tế, đến chính đất nước và với cả gia đình mình, mà bởi chính đề tài và cách thức triển khai tác phẩm này – độc đáo và có lẽ là duy nhất trong thế kỷ 20.
Điều thú vị là tác phẩm được hoàn thành và giới thiệu với bạn đọc vào năm 2022, nghĩa là khi Kissinger đã 99 tuổi, khi Chiến tranh lạnh đã kết thúc, kỷ nguyên toàn cầu hóa mở ra, khi công nghệ đang từng ngày đổi thay đời sống nhân loại, khi các chính nhà lãnh đạo được đề cập trong sách đã ra đi. Điều này không chỉ khiến tôi ngạc nhiên về tốc độ của lịch sử, mà còn cho tôi nhiều suy tư về sự xuất sắc khó phủ định của một nhân vật đa diện, trong vai trò một nhà ngoại giao, một chính khách, một học giả có tầm ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay.
Điều tôi có một chút nuối tiếc là Kissinger, có lẽ vì một vài lý do đặc thù thuộc về lịch sử, đã không dành nhiều trang viết trong tác phẩm của mình hơn nữa để nói về các nhân vật “bên kia chiến tuyến” như Mao Trạch Đông, Stalin – những nhà lãnh đạo đến từ các nước được Đảng Cộng sản cầm quyền, những người mà tôi tin sự am hiểu của ông về họ cũng sâu sắc không kém các chính khách ông phụng sự và những người bạn của ông ở các nước khác.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Hoàng Nam Tiến
Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT.