Tầm vóc chiến lược của chiến thắng Thượng Đức 1974

40 năm đã qua, nhưng chiến thắng Thượng Đức ngày 7-8-1974, trên quê hương Đại Lộc, Quảng Nam vẫn còn mang tính thời sự sâu sắc về một chuỗi hoạt động quân sự mang tính liên tục trên địa bàn chiến lược Khu 5, có mối liên hệ trực tiếp và là cơ sở để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam...

Ngày 05/07/2023 | 0 phút đọc

40 năm đã qua, nhưng chiến thắng Thượng Đức ngày 7-8-1974, trên quê hương Đại Lộc, Quảng Nam vẫn còn mang tính thời sự sâu sắc về một chuỗi hoạt động quân sự mang tính liên tục trên địa bàn chiến lược Khu 5, có mối liên hệ trực tiếp và là cơ sở để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam.

1. Tiến quân vào Khu 5

Từ vùng Cam Lộ, Quảng Trị tháng 5-1974, Sư đoàn 304 được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ vào phối thuộc chiến đấu trên địa bàn Quân khu 5, nhằm diệt một số vị trí địch lấn chiếm sâu vào vùng giải phóng, xóa bỏ các lõm, tạo thế cho chiến trường Khu 5 và cả nước, trọng tâm là tiêu diệt căn cứ Thượng Đức. Lực lượng của Sư đoàn 304 có Trung đoàn 66, sẽ là lực lượng tác chiến chủ yếu đi trước, Trung đoàn 24 là lực lượng dự bị hành quân tiếp sau, còn Trung đoàn 9 ở lại Trị-Thiên làm nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và bảo vệ hậu phương.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, háo hức chờ ngày lên đường vào địa bàn chiến đấu mới. Ngày 6-6-1974, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304, trong đó có Trung đoàn 66 và Trung đoàn 68 Pháo binh nhận lệnh hành quân vào Khu 5 bằng xe cơ giới, kết thúc 6 năm chiến đấu ở địa bàn Trị-Thiên (1967-1973). Từ thung lũng Khe Van, Cam Lộ, các đơn vị của sư đoàn lần lượt lên xe vận tải quân sự, hướng hành quân dọc theo Đường số 9 vào Hướng Hóa, rồi rẽ sang Đường 14b, dọc Trường Sơn vào Khu 5. Vượt qua A Sầu, A Lưới, chỉ trong một ngày đêm, cả sư đoàn đã đến vị trí tập kết an toàn.

Dưới rừng lim bên bờ Tây sông Bung cạnh Đường số 14-nơi đặt Sở chỉ huy Sư đoàn 304. Vừa mới "chân ướt chân ráo" tới thì Thượng tướng Chu Huy Mân-Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5 đến giao nhiệm vụ cho sư đoàn: “Đợt hoạt động quân sự này chúng ta phải thắng cả quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch, chính trị là giải phóng, bảo vệ và bảo đảm đời sống cho hơn một vạn dân. Kinh nghiệm Khu 5 đã minh chứng rằng có thắng về chính trị, giải phóng được dân, đập tan chính quyền cơ sở và bọn tề điệp ác ôn của địch, thì thắng lợi mới vững và khi chủ lực địch ra cũng không lấy lại được”.

Như vậy, lực lượng tham gia tác chiến chủ yếu ở Thượng Đức là Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9), được tăng cường các đơn vị Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324; Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn 219 Công binh, Đại đội Tên lửa A72 và B72 của Quân đoàn 2; 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương. Bộ tư lệnh Sư đoàn 304 được giao trực tiếp chỉ huy trận đánh then chốt, chi khu Quận lỵ Thượng Đức gồm: Đại tá Tư lệnh Sư đoàn Lê Công Phê; Thượng tá Chính ủy Sư đoàn Trần Bình; Thượng tá Phó tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Ân; Thượng tá Phó chính ủy Đoàn Thanh Lức; Trung tá Tham mưu trưởng Lê Đắc Long; Trung tá Chủ nhiệm Chính trị Đồng Ngọc Vân. Tỉnh Quảng Đà có các anh: Sáu Nam-Phó chủ tịch tỉnh; Hai Phước-Tỉnh đội phó, phối hợp chiến đấu cùng Bộ tư lệnh Sư đoàn 304. Quân đoàn 2 tổ chức một bộ phận tiền phương đi cùng Sư đoàn 304 do Đại tá Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn phụ trách.

Về địa hình: Thượng Đức ở phía Tây tỉnh Quảng Đà, thuộc huyện Đại Lộc, cách thành phố Đà Nẵng 40km, là tiểu đồn bảo vệ căn cứ Liên hiệp Quân sự Đà Nẵng. Tại đây địch dựa vào thế hiểm yếu của địa hình, xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn vững chắc, có chiều sâu. Toàn bộ cơ quan chỉ huy thông tin, hệ thống kho đều nằm sâu trong lòng đất bởi bê tông cốt thép bao bọc dày 20cm. Các năm 1968, 1969, rồi năm 1970, quân giải phóng Khu 5 đã 3 lần tiến công Thượng Đức đều bất thành, cứ sau mỗi lần bị đánh, địch rút kinh nghiệm và tăng cường, hệ thống phòng thủ kiên cố, liên hoàn hơn.

Ở Thượng Đức, địch tổ chức lực lượng bố phòng bao gồm: Tiểu đoàn 79 biệt động; 1 đồn biên phòng; 1 đại đội bảo an; 17 trung đội dân vệ; 1 trung đội pháo binh 105mm; 1 trung đội cảnh sát dã chiến và 1 trung đội thám báo. Toàn bộ lực lượng là 950 tên, do Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng, “người hùng” nổi tiếng tàn ác, hiếu chiến chỉ huy.

Bảo vệ bên ngoài hệ thống phòng thủ chi khu Quận lỵ Thượng Đức còn có 1 trận địa pháo 105mm 2 khẩu; 2 khẩu cối 106,7mm; 5 khẩu ĐKZ 81mm, 2 khẩu cối 81mm; 7 khẩu cối 60mm; 27 khẩu đại liên M30 - M60. Trên các hướng tây, bắc tây bắc đề phòng bị tấn công, địch bố trí dày đặc mìn chống tăng và chống bộ binh. Khu trung tâm Thượng Đức có 7 lớp hàng rào rộng từ 70 đến 200m xen kẽ là rào bùng nhùng, rào đơn, rào mái nhà, rào cũi lợn, rào chống tăng, rào phản xung phong. Phía xa hơn Thượng Đức là các trận địa pháo 105mm ở Núi Đất, Ái Nghĩa sẵn sàng chi viện. Khi cần yểm trợ bằng không quân thì trong một ngày ở Đà Nẵng máy bay A37, trực thăng vũ trang tần suất cất cánh 30 đến 40 lần chiếc lên Thượng Đức oanh tạc khu vực nghi có đối phương, hoặc đối phương tiến công chi khu. Ngoài ra, Sư đoàn 3 và Sư đoàn dù ngụy là lực lượng dự bị sẵn sàng tăng cường chiến đấu bảo vệ chi khu Quận lỵ Thượng Đức.

Từ sau tháng 2-1974, các tướng ngụy cùng các cố vấn quân sự Mỹ thay nhau đi thực địa Thượng Đức, chủ yếu nghiên cứu lộ trình xây dựng hệ thống trận địa phòng thủ nhiều tầng, có chiều sâu, vững chắc nhằm bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng. Quá tự tin, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã tặng cho Thượng Đức cái tên khá mỹ miều “Mắt ngọc của đầu rồng”. Còn tỉnh trưởng Quảng Đà thì bốc lên gọi là “Cánh cửa thép của Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Vinh dự cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, một trong những sư đoàn thiện chiến, cơ động của Bộ Quốc phòng được nhận nhiệm vụ tiêu diệt chi khu Quận lỵ Thượng Đức. Tuy nhiên, để tiêu diệt một chi khu quận lỵ được cấu trúc, bố phòng có chiều sâu, liên hoàn, vững chắc, cùng với lực lượng yểm trợ rất mạnh của pháo binh và không quân, cùng với các lực lượng cơ động khác của địch, lại có địa hình hiểm yếu đối với Sư đoàn 304 là một thách thức lớn. Trong đó, việc giải bài toán hóc búa nhất đối với Bộ tư lệnh Sư đoàn là tìm con đường tiếp cận phù hợp và ngắn nhất, rồi tổ chức lực lượng làm đường để đưa phương tiện, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men bảo đảm cho đánh Thượng Đức.

Trong muôn vàn khó khăn thử thách với Sư đoàn 304, khi làm đường cho dù được địa phương hỗ trợ đắc lực nhưng đã bào mòn một phần sức lực của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn, đặc biệt là cường độ làm việc cao, bám đường suốt ngày đêm của Tiểu đoàn 17 Công binh. Từ thực tiễn đặt ra với Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và chỉ huy Sư đoàn 304, quyết tâm đến 20 tháng 7 phải làm xong đường để đưa các lực lượng vào vị trí tập kết, chiếm lĩnh trận địa đánh chiếm Thượng Đức.

Sau hơn một tháng Sư đoàn 304 dốc hết lực lượng làm đường, thì đêm 17-7-1974, xe pháo của các đơn vị tham gia chiến đấu đã tập kết ở Hiên. Sau bao nhiêu đêm vượt đèo qua suối, rồi những đêm đưa pháo xuôi bè, có đoạn suối nông, bè mảng mắc cạn, khi trượt chân, lúc vấp ngã dúi dụi, đói, lạnh là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn lạc quan. Tất cả đều thể hiện quyết tâm chiếm lĩnh trận địa trước thời gian quy định của trên.

Trong những ngày chuẩn bị chiến đấu khẩn trương, sôi động, chính quyền và nhân dân địa phương đã sát cánh cùng bộ đội. Những tình cảm tốt đẹp thắm thiết quân và dân, chính là những liều thuốc tinh thần động viên người chiến sĩ quân đội bước vào chiến đấu. Trước ngày nổ súng, tỉnh Quảng Đà đã trao cho Bộ tư lệnh Sư đoàn 304 lá cờ “Quyết thắng” với mong muốn ít ngày nữa lá cờ sẽ được phấp phới tung bay trên cứ điểm Thượng Đức.

Để kiểm soát tình hình chiến sự, Sở chỉ huy Sư đoàn 304 ở đông nam núi Hà Sống chỉ cách Sở chỉ huy Trung đoàn 66 khoảng 300m. Trung đoàn 66 là lực lượng chủ yếu tiến công chi khu Quận lỵ Thượng Đức, trong đó Tiểu đoàn 7 tiến công từ hướng Tây Bắc xuống khu biệt động; Tiểu đoàn 9 tiêu diệt địch ở khu bảo an rồi tiến xuống, đánh chiếm quận lỵ; Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) diệt địch ở Ba Khe, bao vây địch ở điểm cao 52 và đóng cọc bẫy mìn trên sông Vu Gia chặn địch tháo chạy xuống Ái Nghĩa; Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương tỉnh và du kích tiêu diệt địch ở thôn 12, 13, 14, 15 và chính quyền ngụy tại đây.

Địch đoán được ý định tiến công của ta ở Thượng Đức, nên đã lệnh cho Thiếu tá Hùng tung thám báo nắm tình hình và sẵn sàng đối phó khi bị tiến công. Đồng thời, đưa Trung đoàn 54 của Sư đoàn 3 ngụy và Lữ đoàn dù số 3 của Sư đoàn dù ngụy tăng cường hướng Thượng Đức bỏ Đức Dục theo kế hoạch đã phê duyệt.

2. Ba lần đột phá cửa mở

Ngày 28-7-1974, toàn bộ đội hình tham gia tiến công chi khu quân sự Thượng Đức đã vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Đúng 5 giờ ngày 29-7-1974, trận tiến công bắt đầu. Pháo binh ta cấp tập vào chi khu quân sự Thượng Đức, nhiều lô cốt địch bị phá hủy. Khi pháo binh chuyển làn, lập tức Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Trần Văn Quý ra lệnh cho bộ binh vượt qua khu rừng keo lao xuống cánh đồng đánh chiếm các tiền đồn A, B, C, Gò Cấm, Ba Khe.

Dưới sự chỉ đạo của cơ quan dân-chính Đảng địa phương, nhân dân các thôn, xóm náo nức cùng bộ đội, du kích diệt bọn xã trưởng, lùng bắt bọn phản động và treo cờ giải phóng. Đồng thời bộ đội địa phương và du kích xã, ấp vào từng nhà giúp cất, giấu đồ dùng, hướng dẫn nhân dân đi sơ tán để tránh thương vong.

Mặc dù pháo binh sư đoàn bắn chính xác vào các mục tiêu nhưng không làm tê liệt được địch bởi, hệ thống công sự, hầm ngầm bằng bê tông cốt thép dày tới 20 đến 30cm lại đắp bao cát tới 50cm. Khi pháo ta nổ địch lập tức chui xuống hầm cố thủ, pháo ngừng bắn địch vọt lên công sự, hào chiến đấu chống trả quyết liệt bộ đội ta. Trên hướng tiến công chủ yếu Tiểu đoàn 7 cũng không phát triển lực lượng vào sâu trong cứ điểm địch.

Trên hướng tiến công của Tiểu đoàn 9, bộ đội chiến đấu rất dũng cảm, nhưng bị thương và hy sinh nhiều bởi địch phản công quyết liệt khi quân ta mới đột phá đến hàng rào thứ tư. Trên bầu trời, từng chiếc máy bay A37 lao xuống cắt bom vào quân ta đang phơi trên mặt đất trước hàng rào địch làm cho số thương vong của quân ta lại tăng lên. Để bảo toàn lực lượng và xốc lại đội hình tiến công, Sư đoàn trưởng Lê Công Phê lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 chấn chỉnh lại lực lượng, chỉ huy nắm chắc hỏa lực yểm trở cho bộ binh tiến công. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 vẫn loay hoay giẫm chân tại chỗ, do chưa đột phá được cửa mở, bộ FR (bộ phóng nổ) trên hướng Tiểu đoàn 7 chỉ phá được hai phần ba hàng rào; còn trên hướng Tiểu đoàn 8 máy điểm hỏa dở chứng mất tác dụng. (Còn tiếp)

 

Nguồn: Quân đội Nhân dân

Lượt xem: 335
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm