Thư cho em - tài sản lấp lánh của đời người

Suốt hơn 30 năm, thiếu tướng Hoàng Đan đã gửi cho vợ hàng trăm bức thư từ chiến trường. Thư cho em đã ở lại mãi với muôn đời sau, ghi khắc một tình yêu sắt son cùng nhau đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc…

Ngày 03/06/2024 | 0 phút đọc

 Suốt hơn 30 năm, thiếu tướng Hoàng Đan đã gửi cho vợ hàng trăm bức thư từ chiến trường. Thư cho em đã ở lại mãi với muôn đời sau, ghi khắc một tình yêu sắt son cùng nhau đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc…

Thư cho em - tài sản lấp lánh của đời người

1. “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa yêu thương…” - tác giả Hoàng Nam Tiến chọn câu trích của A.N.Tolstoy trong tác phẩm Con đường đau khổ làm đề từ cho cuốn sách Thư cho em.

Đây là tập sách ghi lại những bức thư Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Hoàng Đan từng viết cho vợ - bà An Vinh, đại biểu Quốc hội những khóa đầu. Bên cạnh đó là những trang viết của Hoàng Nam Tiến - con trai út của ông bà - dành cho cuộc đời, tình yêu của ba mẹ anh suốt một thời lửa đạn.

Thư cho em - tài sản lấp lánh của đời người

Hoàng Nam Tiến bộc bạch, khi ba anh mất (năm 2003), mẹ bảo anh gửi theo linh cữu toàn bộ nhật ký và thư từ ông bà từng viết cho nhau trong hơn 30 năm để những kỷ vật ấy được đi cùng ông về thế giới bên kia. Thế nhưng, anh đã giấu mẹ giữ lại một hộp tài liệu, trong đó có hơn 400 bức thư ba mẹ anh đã viết cho nhau qua 2 cuộc chiến.

Cho đến ngày mẹ đi xa, câu chuyện tình yêu của ba mẹ mới được anh kể lại cùng bạn đọc. “Tôi muốn lưu lại tất cả những gì thuộc về ba mẹ, trước hết là cho chính tôi, con cháu và đại gia đình của mình. Với bạn đọc, tôi hy vọng các bạn tìm thấy một điều gì thú vị trong cuốn sách - có thể là một chuyện tình thời chiến “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…” - tác giả bày tỏ.

Tác giả Hoàng Nam Tiến
Tác giả Hoàng Nam Tiến

Thư cho em được viết bằng tình yêu và nỗi thương nhớ của người con trai dành cho bậc sinh thành đã mất, đồng thời cũng là sự nâng niu, trân trọng của thế hệ sau dành cho những tháng năm vĩ đại. Câu chuyện của lứa đôi, của một gia đình nhưng gắn với lịch sử dân tộc. “Trong mỗi bức thư, tôi thấy hiện lên một thời hào hùng của đất nước. Tôi như thấy nhịp hành quân hối hả của ba khi bước vào những trận đánh dữ dội. Tôi thấy những khó khăn vất vả của mẹ khi một mình chăm sóc gia đình và phấn đấu cho sự nghiệp. Tôi thấy nỗi nhớ khi tha thiết lúc dịu êm của 2 người; thấy cả những hờn giận và trách móc, những nỗ lực thấu hiểu… Tình yêu của họ lớn dần trong tình yêu đất nước, trong dòng chảy của lịch sử, trong khát vọng hòa bình” - tác giả Hoàng Nam Tiến viết.

Thư cho em cũng đã cho độc giả ngược dòng thời gian, trở về thời “ông bà anh” với một câu chuyện đẹp của một thời hào hùng và lãng mạn. Trong những trang thư nay đã ố vàng ấy là toàn bộ ký ức tình yêu của thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh. Mối tình ấy đẹp đến thiết tha với nỗi nhung nhớ, yêu thương son sắt và cả sự dấn bước, hy sinh niềm riêng vì nghĩa lớn. Họ gặp nhau thuở mười tám đôi mươi, yêu nhau từ thuở ban sơ đến khi bạc đầu, trải qua biết bao khó khăn thử thách, đối diện cả sinh tử và chia ly. Nhưng không có gì ngăn cách được 2 trái tim nồng nàn thương nhớ.

Hoàng Nam Tiến nói, anh mong bất cứ ai đọc cuốn sách này hãy tin rằng: Tình yêu là có thật. “Trong những ngày xa nhau, trong những lúc gặp khó khăn, bao giờ chúng ta cũng nhớ rằng tình yêu của anh đối với em và tình yêu em đối với anh là nguồn an ủi mạnh mẽ nhất. Chúng ta hãy hãnh diện tự hào về tình yêu đó em nhỉ?” (Thư thiếu tướng Hoàng Đan gửi người yêu An Vinh, tháng 5/1953). Bằng những lời trao gửi từ hậu phương - tiền tuyến, họ đã kết nối và sẻ chia, giãi bày và an ủi, trao gửi yêu thương sâu nặng.

Những lá thư  ố vàng lưu giữ một mối tình bền chặt
Những lá thư ố vàng lưu giữ một mối tình bền chặt

2. Thiếu tướng Hoàng Đan, người anh hùng của dân tộc, đã trải qua bao trận chiến sinh tử, từ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) đến Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), chiến dịch Trị - Thiên (1972), Thượng Đức (1974) rồi cùng Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975); sau đó tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc đến tận năm 1984.

Thiếu tướng Hoàng Đan coi việc chiến đấu với kẻ thù, giải phóng đất nước là sứ mệnh của thế hệ mình. Trong mắt những người lính, ông là một vị tư lệnh quyết đoán, quyết liệt, một người chỉ huy quân sự tài ba và hết lòng vì đồng đội. Còn chân dung ông với gia đình, trong mắt con cái là một người chồng/người cha hết mực dịu dàng, trìu mến, ân cần và chu đáo. Một vị tướng anh hùng dành cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và “em” cũng là một phần của Tổ quốc mà ông đã dành trọn trái tim để bảo vệ, yêu thương.

Người lính năm ấy có thể đạp xe ròng rã hơn 1.300 cây số lặn lội khắp các tỉnh miền Bắc để tìm người yêu. Còn “em Vinh” - từ dùng trong những bức thư của thiếu tướng Hoàng Đan gửi vợ - là người duy nhất đã đi bộ bên ông suốt đoạn đường 30 cây số, cũng là người đã đi cùng ông qua 2 cuộc chiến, rồi trọn cả kiếp người.

Tình yêu của ông bà khiến lòng người cảm động khi được nhận diện rõ nhất cái gọi là “tình yêu đích thực”. Không chỉ có những bức thư từ chiến trường mà còn là cách họ tìm nhau, chờ đợi nhau, chấp nhận, thấu hiểu, chia sẻ, bao dung và nhẫn nại. Trong những bức thư mẹ gửi cho ba, con trai tìm thấy những dòng này: “Anh cứ tin rằng suốt đời em chỉ có anh thôi, vì anh đã chiếm hết tâm hồn, lý trí em rồi. Do đó, tuy anh đi lâu nhưng lúc nào em cũng nghĩ như là có anh ở bên cạnh vậy” - trích thư viết ngày 18/4/1961.

Tác giả Hoàng Nam Tiến tâm tình: “Ba Đan từng nói với tôi rằng, dù cuộc đời ba vất vả và nhiều điều chưa thực hiện được nhưng điều ông hạnh phúc nhất là có mẹ đồng hành. Trong lòng tôi, không tình yêu nào có thể đẹp hơn tình yêu của ba mẹ, không sự trìu mến nào có thể nhiều hơn sự trìu mến ba dành cho mẹ, không sự bao dung nào có thể lớn hơn sự bao dung mẹ dành cho ba”.

50 năm bên nhau, những kỷ vật quý giá ông bà để lại cho con cháu không có gì ngoài bộ quân phục bạc màu, tấm huân chương đã cũ, bằng khen và giấy tờ lý lịch của cả hai, những lọ nước hoa ông mua tặng bà thời đi học ở Liên Xô… và những bức thư quý giá. Những bức thư ôm chứa 2 cuộc đời, là ký ức tình yêu của một thời lửa đạn mà cũng là tài sản lấp lánh của đời người khi từ giã nhân gian.

Những bức thư thiếu tướng Hoàng Đan viết cho vợ hiện được lưu giữ tại nhà lưu niệm ở quê nhà Nghệ An, di tích lịch sử nhà thờ Hoàng Văn Hệ và nhà lưu niệm Hoàng Khuê, Hoàng Đan. Còn ông bà đã về nằm cạnh nhau trong nắng gió quê hương Nghi Lộc, cạnh con đường năm xưa người lính Hoàng Đan đã đạp xe về trong đêm để hỏi cưới An Vinh ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng là con đường mà không biết bao ngày trong năm tháng hòa bình, ông bà đã cùng nhau sớm tối đi về…

“Suốt một đời, ba uy nghiêm và có phần lạnh lùng xa cách. Chiến trận khốc liệt, ông liên tục phải đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến thế trận và mạng sống của hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ, điều đó làm ông trở nên quyết đoán và cứng rắn. Nhưng với mẹ thì khác. Không ai có thể làm ông khao khát đợi chờ, nhường nhịn sẻ chia và nỗ lực thấu hiểu. Chỉ có thể là mẹ.

Thư cho em - tài sản lấp lánh của đời người


Khát khao hiểu về đời nhau có nghĩa là: “Quá khứ của em cũng là quá khứ của anh, nỗi đau của em cũng là nỗi đau của anh, ta cùng chia sẻ. Tương lai của em cũng là của anh, đường đời về sau em có anh đồng hành”. Nghe chuyện của ba mẹ, tôi càng tâm đắc điều thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong cuốn How to love: “Thấu hiểu nỗi đau khổ của một người là món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành tặng cho người đó. Thấu hiểu là tên gọi khác của tình yêu. Nếu không thấu hiểu, bạn không thể yêu” - tác giả Hoàng Nam Tiến.

Lục Diệp

Nguồn: Phụ nữ Online

Lượt xem: 69
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm