Tự học suốt đời giúp bạn TỰ khám phá phiên bản tốt nhất của chính mình, không ép ai thay mình thực hiện ước mơ

Life-long learning (Tự học suốt đời) không chỉ là kỹ năng bắt buộc với các bạn trẻ hiện nay mà còn là năng lực bất kỳ ai cũng cần để tiến tới đích đến cuối cùng là một cuộc sống hiệu quả, hạnh phúc.

Ngày 24/11/2022 | 0 phút đọc

Nếu đã thành công và giàu có rồi, vì sao vẫn nên tiếp tục học?

Hồi còn nhỏ, tôi rất thích lái máy bay. 

Mỗi lần nghe thấy tiếng máy bay, dù đang ở đâu, tôi cũng ngay lập tức chạy lên tầng thượng ngắm. Từ bé, ước mơ của tôi là trở thành phi công, để tự lái những “cánh én bạc” băng qua bầu trời Hà Nội. 

Khi thi trượt Đại học, tôi ngay lập tức nói với Ba tôi- một Thiếu tướng quân đội, người cả đời sống với những trận chiến và kỷ luật thép, rằng tôi muốn trở thành phi công.

Ba ghi nhận điều đó, song ông yêu cầu tôi quay lại tiếp tục ôn thi Đại học. “Đàn ông vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó” Ba bảo thế. Năm sau tôi thi đỗ Đại học Bách khoa, tốt nghiệp, phát triển sự nghiệp, nuôi con… suốt mười mấy năm trời, tôi gác lại giấc mơ ngày bé.

Phải đến khi 38 tuổi, tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Năm 2007, tôi tạm nghỉ tại FPT, sang Úc, tới Trung tâm đào tạo phi công và học lái máy bay. 

Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác lần đầu tiên tự lái máy bay một mình. Khi tôi điều khiển máy bay lao nhanh trên đường băng, khi gạt cần lái để máy bay bay lên, khi tạt sang trái để nhìn thấy đường băng mình vừa chạy…Tất cả những khoảnh khắc ấy đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in trong đầu. Đó là cảm giác hạnh phúc trọn vẹn mà không sách vở hay trải nghiệm qua màn hình nào có thể mô tả hết được. 

Tự học suốt đời giúp bạn TỰ khám phá phiên bản tốt nhất của chính mình, không ép ai thay mình thực hiện ước mơ

Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng kiên trì học tập không chỉ giúp bạn thành đạt, có cuộc sống tốt mà còn giúp bạn thực hiện được những giấc mơ lãng mạn, bay bổng nhất mà mình ấp ủ.


Tôi có người bạn là chị Mai Hoa, chị là giảng viên Đại học Bách khoa và là một nhà khoa học. Năm 60 tuổi, chị bỗng thấy cuộc sống rất nhàm chán vô vị nên quyết định học chụp ảnh. Nhưng chị không đi học cho vui – chị đầu tư nghiêm túc, bài bản như những nhiếp ảnh gia thực thụ. Ở tuổi mà mọi người nghỉ ngơi hoặc hỗ trợ con cháu, chị vẫn đi đến nhiều nơi để ghi lại cuộc sống qua ống kính của mình. Có lần chị đến Tây Tạng vào mùa đông, đi bộ 20km dưới chân Núi Thiêng với độ cao 5000m so với mực nước biển, dưới nền nhiệt độ âm 10 độ C - vượt qua mọi giới hạn về thể lực và tuổi tác. Chính tay chị tự lại những khoảnh khắc đó của đời mình qua ảnh. 

Điều tuyệt vời nhất trong cả quá trình ấy không chỉ là những bức ảnh (Ảnh của chị đã được triển lãm ở nhiều nơi), mà bởi vì chị đã đi qua những cảm xúc chưa từng có, khám phá ra con người nghệ sĩ mà 60 năm chị chưa từng biết. Nếu không thách thức bản thân thì chị sẽ không thể có được điều đó.

Là một phụ huynh và giờ có cháu, tôi từng chứng kiến rất nhiều em nhỏ vừa tập piano vừa khóc. Hỏi ra mới biết con học không phải vì thích mà vì bố mẹ bé ngày xưa có mong ước đánh được đàn nhưng không thực hiện được nên muốn con thay mình. 


Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào việc học tập sẽ giúp chúng ta hoàn thiện 
đam mê và những ước mơ dang dở. Nhưng sẽ hạnh phúc vô cùng khi chúng ta tự mình thực hiện ước mơ đó. Khi ta sống trọn vẹn cho chính mình, ta không cần phải chuyển ước mơ sang người thân hay con cái. Tự học suốt đời cho bạn cơ hội TỰ khám phá phiên bản tốt nhất của chính mình, không ép ai thay mình thực hiện ước mơ.

Nhắc đến chuyện con cái, việc học liên tục giúp bạn kết nối và thực sự trở thành bạn của con. Các con khi mới lớn có xu hướng gần với bạn bè hơn là gia đình vì cho rằng bố mẹ không thể hiểu được thế hệ mình. Trước đã vậy, giờ khoảng cách đó càng xa, do thế hệ Z càng độc lập và khác biệt hơn trong cách nghĩ. Bản thân tôi cũng nhiều lần lúng túng khi giao tiếp và lắng nghe các vấn đề của con mình. Thế là tôi lên mạng, đọc sách tìm hiểu... để có thể trò chuyện và chia sẻ với các con nhiều hơn. 

Tôi còn nhớ khi con tôi chọn trường, tôi đã cùng con làm bài kiểm tra tính cách, phân tích với con rằng với tính cách như thế này con nên chọn trường nào, ngành nào cho phù hợp. Con tôi đã lập ra một danh sách các trường yêu thích, tôi đã cùng con đi đến trải nghiệm tại các trường con chọn để đi đến quyết định cuối cùng. May sao trường con chọn cũng là ngôi trường tôi ưng ý và thấy phù hợp với con mình. Quan trọng hơn cả là trong suốt quá trình ấy, tôi hiểu thêm về con mình và cùng con bước qua một giai đoạn quan trọng trong đời. 

Có rất nhiều giá trị dài hạn mà việc học mang lại. Nhưng theo tôi, giá trị quan trọng nhất là học để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình. Bạn sẽ không bao giờ biết đích xác mình là ai, mình có thể là ai nếu không tự mình khám phá.

Giá trị quan trọng nhất của tự học là: học để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình.

 

Tự học để thích ứng với thời đại của đổi thay

Chúng ta đang trải qua giai đoạn tốc thế giới thay đổi với tốc độ nhanh chóng, khó dự báo và chưa từng có trong lịch sử.  Không ai biết chắc đến 2050 chuyện gì sẽ xảy ra, nghề nghiệp nào còn tồn tại, công việc nào sẽ biến mất, công việc nào mới sinh ra.

Trong bối cảnh đó, khả năng thích ứng với sự thay đổi là tố chất bắt buộc của thế hệ trẻ - rộng ra là những ai vẫn đang tham gia thị trường lao động. Nếu muốn sống sót và thành công, các bạn bắt buộc phải học thêm kiến thức, kỹ năng mới. Đó là khi thuật ngữ Lifelong learning - Học tập suốt đời lên ngôi.

Ở FPT, những đồng nghiệp của tôi có đến gần 30% lập trình viên không tốt nghiệp chuyên ngành CNTT hay phát triển phần mềm. Thế nhưng, các bạn ấy vẫn là những lập trình viên tài năng, sáng tạo ra nhiều phần mềm nổi tiếng.  Tôi biết rất nhiều lãnh đạo của các công ty, tập đoàn lớn không có bằng Đại học hoặc không được đào tạo bài bàn về quản trị, nhân sự nhưng họ vẫn vận hành tốt tập thể hàng chục nghìn người. Họ đã làm như thế nào? Tất nhiên là phải không ngừng học hỏi và trau dồi các kiến thức, kỹ năng mình còn thiếu. Việc “Học” không dừng lại khi bạn đã tốt nghiệp.

Tự học suốt đời giúp bạn TỰ khám phá phiên bản tốt nhất của chính mình, không ép ai thay mình thực hiện ước mơ

Học tập suốt đời không chỉ là bạn liên tục học thêm kiến thức mới, mà quan trọng là phải học cách học. Bởi vì kiến thức rất nhiều, nếu không biết tổ chức, sắp xếp việc học và có phương pháp hệ thống, các bạn, các em sẽ nhanh chóng chán nản trước khối lượng khổng lồ, mênh mông và bỏ cuộc sau đó.


Học tập suốt đời không chỉ là bạn liên tục học thêm kiến thức mới. Quan trọng là phải học cách học.

Làm thế nào để tự học hiệu quả giữa thời đại bận rộn và xao nhãng?

Như vậy, làm thế nào để việc tự học đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là khi chúng ta vốn đã quá bận rộn?


Bí quyết đầu tiên của tôi là học từ những người giỏi nhất.


Tôi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa chuyên ngành CNTT, khi ra trường tôi lại làm kinh doanh, được một thời gian tôi chuyển sang làm phần mềm, tôi sang ngành viễn thông và bây giờ la giáo dục. Tôi liên tục phải học và bổ sung kiến thức mới nhanh chóng để có thể thích nghi với vai trò mới. Giai đoạn mới dấn thân vào kinh doanh, chúng tôi đã mắc rất nhiều sai lầm. Suốt 10 năm sau khi ra trường, mỗi ngày chúng tôi làm việc 12-18 tiếng nhưng vẫn không đạt hiệu quả như mong đợi.


Vậy là tôi quyết định đi học. Tôi theo học khóa học Quản trị Kinh doanh dành riêng cho những công ty phân phối tại trường INSEAD - một trong những trường đào tạo về kinh doanh tốt nhất thế giới. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi quay về xây dựng công ty phân phối của FPT. Đến năm 2008, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống phân phối chuyên nghiệp trên toàn quốc, đạt doanh thu 700 triệu USD, cao hơn doanh thu của Unilever tại Việt Nam thời đó.


Khi chuyển sang làm phần mềm, lại một lần nữa tôi bỡ ngỡ trước một lĩnh vực mới. Dù có nền tảng học chuyên ngành CNTT nhưng làm phần mềm vẫn là một sự khác biệt lớn. Tôi lại áp dụng phương pháp cũ của mình: học từ những người giỏi nhất, sau này trở thành một thuật ngữ trong chiến lược kinh doanh của FPT Software là “Follow the sun”.


Nhờ làm việc tại FPT, tôi có cơ hội tiếp xúc với những người làm phần mềm giỏi nhất thế giới. Tôi từng nói chuyện với ngài N. R. Narayana Murthy, sáng lập công ty Infosys - một trong những công ty CNTT hàng đầu thế giới với hơn 200.000 lập trình viên. Tôi gặp TGĐ của AT&T - hãng viễn thông lớn nhất thế giới, gặp TGĐ kiêm CTO của Boeing, CEO và CDO của Airbus… Với ai cũng vậy, tôi tìm cách để họ dành thật nhiều thời gian cho tôi, học cách đặt ra những câu hỏi thú vị để họ quyết định không chỉ ngồi họp với tôi mà còn muốn ngồi ăn với tôi, để họ mở lòng chia sẻ cho tôi bí quyết kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.


Tôi nhớ Tổng giám đốc của Siemen - hãng công nghiệp lớn nhất châu Âu đã từng dành 3 tiếng đồng hồ cho chúng tôi để kể về cuộc đời của mình, về cách công ty của ông chọn hướng đi trong ngành như thế nào. Cuộc nói chuyện đó giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi tại FPT.

Khi bạn có cơ hội gặp những Guru (bậc thầy trong 1 lĩnh vực), gặp những người tài giỏi khác, đừng biến đó trở thành một cuộc tán gẫu hay nói chuyện suông. Hãy nghĩ cách đặt câu hỏi thật hay và họ sẽ chia sẻ. Chẳng hạn, tôi thường hay hỏi: “Ông có thể chia sẻ về thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của ông không?” Khi họ đã đủ cởi mở để chia sẻ về những khó khăn, những khoảnh khắc tăm tối của cuộc đời mình thì việc chia sẻ về công việc cũng dễ dàng hơn rất nhiều.


Khi bạn có cơ hi gp nhng người tài gii, đng biến đó tr thành mt cuc tán gu hay nói chuyn suông. Hãy nghĩ cách đt câu hi tht hay và h s chia s


Cách thứ hai để học tập hiệu quả chính là chọn một cuộc sống đơn giản.

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có rất nhiều mối quan hệ, rất nhiều cuộc hẹn, nhiều lễ sinh nhật, lễ đầy tháng, tiệc mừng công,... phải tham dự. Những sự kiện này ngốn rất nhiều thời gian và khiến ta thêm bận rộn. Tôi gọi đây là cuộc sống bận rộn kiểu xã hội. Chúng ta dành thời gian cho những thứ bề nổi, những mối quan hệ xã giao không thực sự giúp ích cho sự phát triển bản thân.


Hiện này bạn sẽ thấy lối sống FOMO (Fear of missing out) khá phổ biến,  nghĩa là chúng ta sợ bỏ lỡ một sự kiện “hot”, sợ bỏ lỡ một sản phẩm mới ra mắt, sợ bỏ lỡ một tin tức giật gân. Điều này cướp mất sự tập trung – vốn là tài nguyên quý giá nhất của mỗi người nếu muốn học tập và phát triển.

Tự học suốt đời giúp bạn TỰ khám phá phiên bản tốt nhất của chính mình, không ép ai thay mình thực hiện ước mơ 
Có một sự thật chúng ta ít khi để ý đến là thời gian sử dụng smartphone của mình nhiều đến mức nào. Chỉ cần vào phần Cài đặt của iPhone, rồi chọn mục Screen Time, tôi tin rằng nhiều người sẽ rất bất ngờ về thời gian mình sử dụng điện thoại trong một ngày. Chúng ta tìm kiếm thông tin, xem Tiktok, lướt Facebook, nhắn tin...

Thay vì dành nhiều thời gian cho “sự bận rộn” không cần thiết ấy, tôi nghĩ nên chọn cuộc sống đơn giản, nên đặt ra những ưu tiên, những mục đích quan trọng.


Thay vì dành nhiều thời gian cho “sự bận rộn” không cần thiết, tôi  nên chọn cuộc sống đơn giản -  đặt ra ưu tiên cho mục đích quan trọng.

 

Khi bạn ưu tiên thời gian để học điều mới, bạn sẽ thấy bản thân khác hơn, hiểu biết nhiều hơn và sống giá trị hơn mỗi ngày. Trái lại, nếu sa đà vào cuộc sống bận rộn kiểu xã hội, sau một vài năm nhìn lại, bạn sẽ thấy mình vẫn dậm chân tại chỗ và không có thay đổi gì cả, nếu không muốn nói là thụt lùi so với nhịp phát triển của thời đại.


Để “sống đơn giản” hiệu quả, hãy kỷ luật, nghiêm túc và tập trung. Quay lại tính năng Screen Time trên iPhone, thay vì mỗi ngày dành 4-5 tiếng lướt MXH, chúng ta hãy cài đặt chỉ cho phép dùng 2 tiếng. Đặt mục tiêu mỗi ngày dành 30 phút đến 1 tiếng để học thêm điều mới.


Tôi thấy những vĩ nhân, những CEO của những công ty hàng đầu thế giới, hay các nhân sự giỏi trong công ty mình có điểm chung, chính là sự tập trung và kiên trì. Chúng ta khi muốn học thêm một kỹ năng mới cũng vậy, hãy thật tập trung và dành thời gian cho nó. Sự tập trung quyết định chất lượng học tập và trải nghiệm. Trải nghiệm chất lượng khiến bạn nhanh đến đích, cho bạn niềm vui và sự thỏa mãn, tạo ra cảm giác hạnh phúc và thấy cuộc đời có ý nghĩa. 


Người không học cũng hạnh phúc, vậy vì sao phải tự học suốt đời?

Tôi rất tâm đắc một đoạn trong cuốn “Tôi tự học” của Nguyễn Duy Cần, kể về câu chuyện của đại thi hào Goethe khi bắt gặp một người ăn mày:

Goethe, lúc mà danh vọng của ông lên đến tột độ, ngày kia dạo trên bờ sông thành Naples, gặp một tên ăn mày nằm ngủ phơi mình trong ánh nắng… Ông dừng chân, tự hỏi: Ta và anh ăn mày này, ai hạnh phúc hơn ai?” 

Rõ ràng người ăn mày kia đang rất hưởng thụ, ngay tại thời điểm đó, không thể khẳng định rằng ông ta không hạnh phúc bằng đại thi hào. Thế nhưng Goethe, và tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta, chọn học tập suốt đời để có thêm niềm hạnh phúc khác chứ không chỉ dừng lại ở một giấc ngủ trưa.

 

Lượt xem: 677
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm