Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến chia sẻ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không nằm ngoài tiến trình chung đang diễn ra trên thế giới, tất cả các ngành, lĩnh vực đều sẽ phải thay đổi, thực hiện công cuộc chuyển đổi số để có thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ.
Ông dự đoán thế nào về tương lai nghề nghiệp trong 5 năm tới?
Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cuối năm 2018, khoảng bốn năm tới, 75 triệu việc làm sẽ biến mất, 133 triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn cầu. WEF cho rằng động lực chính của những thay đổi này là sự tiến bộ trong công nghệ, và Đông Nam Á là nơi chứng kiến thay đổi mạnh nhất.
Vì vậy, theo tôi, trong thời gian sớm, có thể chỉ 5 năm nữa thôi, khi các bạn vừa ra trường, hàng trăm triệu công việc quen thuộc đã biến mất, như thu ngân, giao dịch viên ngân hàng, người làm call center (tiếp thị qua điện thoại), tư vấn bán hàng.
Tương lai của nghề tiếp thị qua điện thoại khá ảm đạm. Khác với nhân viên bán hàng truyền thống - cần tương tác và đòi hỏi nhiều sắc thái hơn với khách hàng, tiếp thị qua điện thoại dù phải tương tác nhưng ít cần sắc thái biểu cảm hơn. Do đó, công việc này có nguy cơ cao bị "máy tính hóa" trong tương lai.Hay như công việc thu ngân, khi lần đầu được đưa vào thử nghiệm, máy thanh toán tự động chưa được khách hàng đón nhận rộng rãi ngay lập tức.
Tuy nhiên, khi các phiên bản máy thanh toán tự động hoàn thiện, chúng ngày càng phổ biến. Theo Allied Market Research, ngành công nghiệp máy tự động thanh toán được dự báo đạt giá trị 31,75 tỷ USD vào năm 2020, đồng nghĩa với tương lai mờ mịt cho những người làm nghề thu ngân. Các dịch vụ giao hàng phổ biến cũng cho phép khách hàng đặt mua thực phẩm cùng nhiều hàng hóa tiêu dùng khác một cách thuận tiện ngay tại nhà.
Vậy theo ông, những lĩnh vực nào sẽ triển vọng?
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các bạn trẻ nên định vị nghề nghiệp của mình không chỉ ở Việt Nam mà trên thị trường quốc tế vì quy mô thị trường này lớn gấp 3.000 lần so với tại Việt Nam. Đặc biệt, các ngành có nhu cầu lớn là Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, IoT, Cybersecurity... Mặt khác, hiện nay các tổ chức, công ty trên thế giới đều phải thực hiện chuyển đối số và tạo nhu cầu nhân lực không có giới hạn về các ngành nói trên từ Việt Nam. Chính FPT đang đi tiên phong trong lĩnh vực này khi mà 70% doanh thu từ CNTT đang đến từ thị trường quốc tế và tốc độ tăng trưởng từ thị trường quốc tế là 30%-40%.
Trong quản trị kinh doanh, rõ ràng con người cần tập trung phát huy các kỹ năng quản trị mà robot không làm được hoặc chưa làm được, như khả năng sáng tạo, đổi mới, trí tuệ cảm xúc, khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, đàm phán, phối hợp nhóm. Quản trị kinh doanh sẽ tập trung vào việc quản lý, phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ, như marketing sẽ liên quan tới quản lý các nền tảng số về phát hiện khách hàng tiềm năng, thấu hiểu nhu cầu khách hàng, trải nghiệm khách hàng, tiếp thị số và đa kênh tới khách hàng.
Thế hệ trẻ hiện nay cần làm gì để thích ứng với sự thay đổi nghề nghiệp trong thời đại 4.0?
Những người đi trước các bạn khoảng 5 - 7 năm, họ thường tự hào vì ngoài công việc chính, họ làm thêm nhiều việc khác như bán hàng online, tư vấn, chạy Grabbike, nhập liệu thuê... Tôi cho rằng, đây không phải là sự lựa chọn khôn ngoan. Thế hệ trẻ hiện nay, hãy tự tin vào nghề của mình, sống bằng chính nghề của mình và phải tin là nghề của mình có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình, có thể mua nhà, mua xe... chứ đừng tự hào là bạn có thể làm được nhiều nghề khác nhau. Muốn như vậy, bạn cần có sự lựa chọn sáng suốt, bắt kịp xu hướng, tâm huyết với nghề.
Ngoài chọn đúng chuyên ngành, sinh viên cần những kỹ năng nào để tự tin làm việc trong môi trường quốc tế?
Thế giới này thật sự phẳng, hiển nhiên điều các bạn cần không chỉ là biết tiếng Anh, mà phải là dùng tiếng Anh trong mọi thời điểm. Để đáp ứng điều này, thế hệ trẻ cần học tập trong môi trường thuận lợi, như môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam. Môi trường này sẽ trang bị cho các bạn "vũ khí" không chỉ là kiến thức để có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào như Anh, Australia, Mỹ, Nhật... mà không cảm thấy sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá hay kỹ năng.
Theo VNExpress, 12/2019