Ba tôi dành cả đời cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, không ở nhà, vì vậy khi dạy tôi ông không hề “cầm tay chỉ việc” - ông chỉ đưa tôi đi qua các mặt trận ông chiến đấu, ăn ở cùng lính của ông, quan sát mọi việc, còn rút ra được bài học gì là ở tôi.
Tôi đông con, việc bận và tôi muốn con tự lập, tôi dạy con bằng những đối thoại thẳng thắn về các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Tôi không bắt con phải sống ước mơ của ai, nhưng tôi cũng cho con đủ nguồn lực và cơ hội phát triển để con trưởng thành, chịu trách nhiệm với chính bản thân con.
Các bạn 8x và 9x bây giờ lại dạy con một cách khác. Nhiều bạn ngồi kèm con học bài tỉ mỉ từ bé và can thiệp, định hướng kỹ lộ trình của con.
Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Câu trả lời là môi trường thay đổi. Các thế hệ lớn lên trong các xã hội quá khác nhau, vì vậy quan điểm sống của họ chắc chắn khác biệt.
Trong 40 – 50 năm qua, xã hội Việt Nam nói riêng, xã hội toàn cầu nói chung xảy ra quá nhiều biến đổi. Chúng ta thoát khỏi chiến tranh, sống qua thời bao cấp, rồi đổi mới, rồi sự ào tới của kinh tế thị trường và công nghệ xâm nhập đời sống. Mỗi chúng ta hiện giờ khó có thể rời xa chiếc smartphone, các bạn trẻ ít ai không xem Tiktok - đó là điều khoảng 30 năm trước bố mẹ các cháu genZ vẫn chưa thể hình dung được. Xã hội thay đổi, nhiều giá trị cần được chuyển mình cho phù hợp.
Trong bối cảnh ấy chữ “Nhẫn” cũng có sự vận động. Thế hệ chúng tôi hiểu “Nhẫn” là có lòng kiên trì, bền bỉ nhẫn nại, biết lắng nghe người khác để điều chỉnh bản thân, biết chịu đựng, nhường nhịn... và các giá trị này thay đổi theo từng thế hệ, từng môi trường.
GenZ sống trong một xã hội có tốc độ phát triển nhanh. Khác với thế hệ trước lo sợ sự khác biệt, hiện nay các bạn genZ tôi nhìn vào bạn nào cũng thấy có một nét khác biệt; thế hệ trước khép kín hơn, riêng tư hơn, genZ sống cùng mạng xã hội và không ngại thể hiện. Trong các môi trường khác nhau, bạn có những hành xử khác, chữ Nhẫn cũng biến đổi theo cách khác.
câu chuyện bạo lực học đường
Ngày xưa tôi đi học, trong trường con trai đánh nhau là thường. Tôi là dân “quân khu” – quân khu Trần Phú khi xưa, quân khu Nam Đồng sau này, toàn những nơi lừng lẫy chiến tích. Tôi cũng tham gia nhiều trận hồi cấp 2, cấp 3 và thú thật là may mắn mới lành lặn, nếu không không biết chuyện gì.
Người viết về những trận đánh của con trai quân khu hay nhất là tác giả Bình Ca với “Quân khu Nam Đồng”. Nhưng chính bản thân ông đã một lần chia sẻ về dụng ý của mình khi mô tả kỹ các trận đánh nhau và hậu quả của nó là: “Tôi nói chuyện đánh nhau để tụi trẻ con đừng có đánh nhau”. Bạo lực học đường trong xã hội nào cũng là không nên và tôi phản đối.
Ngày xưa các bố mẹ thường dạy con “Một điều nhịn là chín điều lành”. Nhà trường chúng ta vẫn giữ lệ sẽ “xử lý, khiển trách” nếu cả hai bên xảy ra đánh nhau. Có lẽ vì vậy mà nhiều em chịu bạo lực học đường cả về thể chất (Đánh nhau) lẫn tinh thần (khủng bố, cô lập, bị bôi nhọ trên mạng...) thường âm thầm chịu đựng, không nói vì xấu hổ, vì sợ bị khiển trách... Nhiều tình huống rất thương tâm diễn ra và hậu quả để lại rất đáng tiếc.
Chúng ta phải hiểu chữ Nhẫn văn minh hơn. Trước bạo lực học đường, ta không thể nhẫn nhịn. Các bạn GenZ đi học hãy có niềm tin rõ ràng về việc các em được nhà trường, xã hội và luật pháp bảo vệ, và đó là việc thực hiện được. Kẻ bắt nạt học đường sẽ phải chịu hình phạt đích đáng. Đồng thời, nhà trường phải có quy định rõ ràng về việc xử lý các tình huống bạo lực học đường sao cho càng ít em chịu tổn thương càng tốt; pháp luật phải có cơ chế xử phạt cho việc này.
Tại Tổ chức giáo dục FPT, chúng tôi đưa vào chương trình học môn Vovinam – Việt võ đạo, và gần 100.000 học sinh, sinh viên FPT học bộ môn này, chúng tôi hay gọi vui Tổ chức FPT là “Võ đường lớn nhất Việt Nam”. Các em học cách tự vệ, phòng thủ - đặc trưng của môn võ. Nhưng sau các thế võ là học “đạo” đạo trượng nghĩa, biết bảo vệ bản thân và bạn bè, tôn trọng nhân nghĩa, không dùng vũ lực làm tổn thương người khác.
Đầu năm nay tôi thấy bạn bè nhân viên xem một bộ phim phát trên Netflix là “Vinh quang trong thù hận”. Trong phim, bạn nữ bị dày vỏ bởi bạo lực học đường và chịu nhiều bất công xã hội, đã dành gần 20 năm cuộc đời để dốc sức sắp xếp lên kế hoạch và trả thù tất cả những ai làm mình đau khổ.
Tôi không nói về sự đúng sai, nhưng tôi có niềm tin rằng chúng ta có nhiều cách để một cá nhân không phải hi sinh như vậy. Nếu bị rơi vào tình huống đó, các em hãy dám lên tiếng. Nhà trường, xã hội và pháp luật có trách nhiệm phải bảo vệ các em.
Thế hệ Z hiện nay có xu hướng chung là thích nhảy việc. Nếu thế hệ chúng tôi làm việc một công ty cố định, các bạn có xu hướng đổi việc qua mỗi 2 – 3 năm, hiện tại còn nhanh hơn. Nhiều bạn chia sẻ lí do đổi việc vì “không phù hợp” “muốn thử sức ở nhiều vị trí” hoặc vì “trầm cảm...” và tôi cũng tin các bạn có những lí do đó và cũng hiểu rằng đó là một xu thế tất yếu trong thời đại nhiều lựa chọn công việc và đề cao giá trị của trải nghiệm.
Nhưng rất nhiều bạn nhảy việc liên tục vì thiếu sự kiên nhẫn trong công việc. Nhiều bạn khi công việc áp lực, khi được giao việc khó thường có tâm lý “vỗ mông đứng dậy không làm nữa”. Các bạn không kiên trì để theo đuổi công việc ở một vị trí, đóng góp và cống hiến cho tổ chức mà hay rời đi với lý do “hết vui” thì đó là một điều nguy hiểm cho sự nghiệp của các bạn. Trong sự nghiệp của bạn sẽ có nhiều lúc đặc biệt khó khăn, thậm chí có nhiều thời điểm là “dead-point” – điểm chết. Đó là những cột mốc mang tính chất quyết định, đòi hỏi bạn phải vượt qua khó khăn đó thì mới được công nhận, đạt được thành tựu mới để đường hoàng đi tiếp. Nếu các bạn không đủ nhẫn nại, kiên trì, không quyết tâm vượt qua được, bạn sẽ cứ lùi bước trước khó khăn và vô hình chung lặp lại tình huống này khi gặp các thử thách tiếp theo. Không một ai thành công mà không có sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ.
Talkshow “Cơ hội cho ai” diễn ra tại trường Tôn Đức Thắng vừa rồi, tôi biết một bạn genZ rất dễ mến là Tun Phạm. Bạn đã có hơn 5 năm làm Tiktok và các nội dung giải trí. Rất nhiều lần bạn cũng chịu sự chỉ trích của cộng đồng mạng, cũng không phải tất cả các clip bạn làm đều được yêu thích, rất nhiều lần bị “ném đá” nhưng bạn rất cố gắng vượt qua. Bạn không ngại “xin cơ hội” để được nổi tiếng và thành công bằng việc rất kiên trì thử qua nhiều dạng nội dung và đề tài để tìm kiếm và định hình phong cách cho mình.
Rất nhiều thời điểm trong đời, tôi tin các bạn trẻ sống trong cảm giác hoang mang của việc xác định năng lực của mình, đam mê của mình. Trước những thử thách ấy, bạn cần nhẫn nại với bản thân và kiên trì làm việc để vượt qua cảm giác tự ti và nâng cao năng lực, sức bền của mình.
Hãy nhảy việc khi mình đã có được sự chín trong chuyên môn, sự công nhận từ sếp, đồng nghiệp, thị trường và định hướng rõ ràng bước đi tiếp theo trong sự nghiệp. Nơi tiếp theo bạn đến phải có mức lương cao hơn hiện tại vượt trội, cơ hội phát triển tốt hơn...Mọi sự nhảy việc chỉ để trốn tránh áp lực công việc sẽ mang tới những áp lực mới.
Thêm nữa, để có thể tiến xa trong sự nghiệp, các bạn cần có năng lực tự học (self-learning) và tự khai vấn (self -coaching). Tự học thiên nhiều về việc cập nhật kiến thức mới, xu hướng mới phục vụ công việc. Tự vấn yêu cầu bạn khả năng tự quan sát cách mình làm việc cũng như sự nghiệp của mình, xem mình phát triển theo đúng lộ trình mình muốn hay không, mình ở đâu trên thị trường lao động, đạt được những gì mình mong mỏi hay chưa, mạnh và yếu ở điểm gì... để có thể điều chỉnh, tối ưu công việc. Tất cả hoạt động phát triển tự thân như vậy đều cần sự nhẫn nại, vì việc nhìn ra vấn đề của người khác rất dễ, tự nhận ra vấn đề của bản thân mới khó.
Năng lực tự vấn đặc biệt quan trọng với các bạn genZ, không chỉ vì các bạn đang sống trong một môi trường nhiều cơ hội phát triển, mà còn bởi chưa một thế hệ nào chịu áp lực đồng trang lứa lớn như các bạn. Với sự phổ biến của mạng xã hội, ai cũng có thể tự show off chính mình, quanh bạn bỗng chốc toàn người tài năng và giỏi giang, nhanh chóng kiếm tiền tỉ, đạt chức vụ cao, sự nghiệp cất cánh... Trong thế giới đó, nếu không có năng lực biết mình muốn gì và thực sự cần gì, các bạn rất dễ trở nên hoang mang và so sánh hậu trường sự nghiệp của mình với hào quang của các bạn khác, từ đó, rất dễ đánh mất mình và chệch hướng trong việc phát triển, hoặc tệ hơn, chạy theo cuộc sống của người khác. Ở nước ngoài và giờ tại Việt Nam, nhiều bạn tốt nghiệp xong không đi làm ngay mà chọn cho mình một khoảng thời gian “gap – year” để suy nghĩ về con đường phía trước. Cũng có nhiều bạn quản lý, nhân sự cấp cao sau một thời gian cố gắng đạt được các cột mốc quan trọng của sự nghiệp thì dừng lại để “tổng kết” giai đoạn trước, xả hơi học một cái mới hoặc nghĩ xem bước tiếp theo nên làm gì, tôi cho rằng đó là một nhịp nghỉ cần thiết trong sự nghiệp, nên được khuyến khích dù bạn làm trong ngành nào. Trong các tình huống này, lý tưởng nhất là bạn có một “mentor” hiểu biết về lĩnh vực của mình cũng như đủ tin tưởng để cố vấn, dẫn dắt.
Trong công việc, một tình huống nữa chữ “Nhẫn” cần được hiểu với nghĩa mới, là việc nhân viên bị sếp/ đồng nghiệp chèn ép, bắt nạt, quấy rối. Rõ ràng, bạn không nên nhẫn nhịn. Bạn phải biết bảo vệ bản thân mình.
– Hiểu để thương
Khác với quan hệ nhà trường và công sở, mối quan hệ gia đình có tính chất bền vững hơn. Trong thời đại mọi mối quan hệ đều có thể thay thế, quan hệ với gia đình là thứ sẽ đi cùng bạn cả cuộc đời, cho dù bạn có muốn hay không. Sếp không thích có thể bỏ. Người yêu không yêu nữa có thể chia tay, nhưng bạn không thể bỏ bố mẹ mình. Bố mẹ cũng không thể bỏ bạn. Vì vậy, nếu các bạn genZ không có mối quan hệ lành mạnh, “good enough” với gia đình mình thì đó là một điều rất đáng tiếc, có thể làm mất đi nhiều cơ hội phát triển và các gắn bó nền tảng.
Với những khác biệt thế hệ và môi trường như chúng ta đề cập ở phần đầu, genZ sẽ không thể tránh khỏi việc xung đột quan điểm với cha mẹ mình. Cùng với đó, cha mẹ Việt Nam thường hay ép con phải đi theo con đường đã được định sẵn. Nhiều bạn phản ứng tiêu cực theo cách bỏ ngoài tai hoàn toàn hoặc chống đối, hoặc bề ngoài thuận theo ý bố mẹ, vẫn làm nhưng vẫn ấp ủ tư tưởng khác. Hai cách phản ứng đó đều không hiệu quả.
Khi các bạn gen Z bất đồng quan điểm với bố mẹ mình, tôi không nghĩ rằng đó không chỉ là xung đột trong cách tư duy và giao tiếp giữa hai thế hệ mà là sự tranh chấp giữa hai xã hội với quá nhiều điểm khác biệt. Và như vậy thì sự xung đột xảy ra là hợp lý. Các bạn genZ nên hiểu việc bạn xung đột với ba mẹ không có nghĩa là bạn đã sai hay bố mẹ bạn sai. Nó chỉ đơn giản là sự khác nhau.
Việc của các bạn không phải là né tránh mà cần tận dụng xung đột để hiểu về quan điểm, tư duy của đối phương, của hai thế hệ, hai xã hội. Muốn như vậy, các em cần kiên nhẫn. Cần biết lùi lại để nhìn một bức tranh toàn cảnh hơn về ba mẹ và thế hệ của mình. Kiên nhẫn hiểu hoàn cảnh của bố mẹ mình, kiên nhẫn hiểu vì sao bố mẹ mình lại suy nghĩ vậy, hành động như vậy. Khi nhận ra môi trường sống khác nhau tạo nên suy nghĩ khác nhau, bạn sẽ bình tĩnh nhận diện tình huống xung đột, bình tĩnh đối thoại với bố mẹ hơn, hiểu bố mẹ hơn thay vì chống đối. “Kiên nhẫn là chứng tích của tình thương đích thực” – thầy Thích Minh Niệm có nói vậy trong một khóa tu với vài trăm bạn trẻ, và tôi cũng tin như thế.
Để có thể chung sống hiệu quả với phụ huynh, ngoài việc học cách kiên nhẫn, các bạn genZ cần thật sự trưởng thành trong năng lực và tính cách. Muốn làm được việc đó, các bạn cần dần có năng lực tự lập, không quá phụ thuộc vào bố mẹ, có sự phát triển năng lực riêng của mình. Cùng với đó, khi tự lập, các bạn sẽ có cơ hội có được “khoảng cách an toàn”, dần dần tách khỏi bố mẹ, không để họ nắm trọn cuộc sống của các bạn, từ đó, các bạn có không gian để phát triển. Càng có không gian phát triển lành mạnh, các bạn càng trưởng thành và có thêm sự tự tin để có thể xử lý các xung đột trong gia đình.
Tôi biết có những bạn trẻ dù thừa kế rất nhiều tài sản từ gia đình nhưng vẫn ra ngoài làm việc, độc lập kinh tế, dần dần có tiếng nói trong gia đình và khiến bố mẹ phải nghĩ lại, đối xử lại với con mình.
Tôi thích một Fanpage rất nổi mấy năm nay là “Nhà tù Hỏa Lò”. Các em làm Fanpage có thể nói về một di tích lịch sử - chiến tranh và giá trị của nó bằng ngôn ngữ genZ với nhiều góc nhìn rất sáng tạo, rất đáng yêu. Điều đó chỉ có được khi các em đã hiểu kỹ về công trình này, ý nghĩa của nó, đồng thời tìm ra cách nói nào thì một nhà tù được các bạn trẻ ở lứa tuổi mình đón nhận, rồi từ đó nói về một địa điểm cũ theo cách mà các bạn genZ thích.
Cách các em giao tiếp với gia đình cũng vậy. Khi đã hiểu bố mẹ, hiểu những gánh nặng họ phải chịu đựng, đồng thời hiểu về bản thân và mong muốn giao tiếp hiệu quả với gia đình, các bạn sẽ tìm ra cách để nói chuyện với họ. Các em có thể hứng thú và tìm hiểu về một di tích lịch sử rõ ràng đã cách đời sống thường nhật rất xa, vậy tại sao lại thiếu lòng tin vào việc sẽ hiểu và trò chuyện được với ba mẹ của mình – những người ngay sát kề bên?
Ở chiều ngược lại, phụ huynh cũng cần kiên nhẫn hơn trong việc hiểu các con mình. Chúng sống ở một môi trường quá khác biệt, nên không thể áp dụng các phương pháp, các mô hình cũ. Muốn đồng hành cùng con cũng đòi hỏi phụ huynh thời nay có sự kiên nhẫn và tìm ra phương pháp phù hợp. Có thời gian, Việt Nam rộ lên các phương pháp như “dạy con kiểu Do Thái” “dạy con kiểu Nhật”... cần có sự tiếp thu chọn lọc vì không phải tất cả các kiến thức đó đều có thể áp dụng trong môi trường đặc thù của Việt Nam.
Sự nhẫn nại khi được hiểu một cách mềm dẻo, phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay sẽ mở ra cho các bạn trẻ cơ hội lớn trong việc hiểu và kế thừa những giá trị tốt đẹp của thế hệ trước, từ đó làm bàn đạp phát triển.
Xã hội luôn thay đổi, chữ nhẫn cũng có màu sắc khác nhau ở mỗi thế hệ, mỗi cá nhân. Điều quan trọng nhất tôi nghĩ là: các bạn gen Z cần có được tinh thần và thái độ “nhẫn” trong việc hiểu và áp dụng từ “nhẫn” vào chính bản thân mình, để có thể có được cuộc sống cá nhân hiệu quả và các mối quan hệ hạnh phúc.