"Cũng như con người, doanh nghiệp cần là doanh nghiệp xanh"

Theo Chủ tịch FPT Telecom, Công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, sản xuất dược phẩm, bán lẻ, du lịch... là những ngành nghề có cơ hội phát triển sớm hơn các ngành nghề khác sau đại dịch Covid-19.

Ngày 27/10/2022 | 0 phút đọc

Sự kiện trực tuyến Open Talks #3 với chủ đề "Mặt trời ló rạng nơi đâu?" do Hội doanh nhân trẻ TP HCM vừa tổ chức với hơn 1.000 người tham gia, phần lớn là các doanh nhân. Chương trình xoay quanh việc bàn luận về các lĩnh vực, ngành nghề sẽ giành lợi thế và cách tăng tốc cho doanh nghiệp trong một trật tự thị trường mới.

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết theo thống kê mới nhất, hiện có 69% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, 16% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và chỉ 15% doanh nghiệp hoạt động bình thường. "Cơ hội chính của doanh nghiệp là từ đại dịch Covid-19", anh nói.

Anh Hoàng Nam Tiến: Cũng như con người, doanh nghiệp cần là doanh nghiệp xanh

 

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến.



Chủ tịch FPT Telecom thừa nhận hiện nay ảnh hưởng của tình hình thế giới đối với Việt Nam rất nặng nề. Nếu như trước đây đặt hàng hóa, thiết bị về Việt Nam chỉ mất 3-4 tuần thì nay tăng lên 8 tuần và có thể hơn. Đặc biệt hàng hoạt các thiết bị công nghệ cao không có cam kết có thời hạn chuyển về Việt Nam. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp không chỉ lỡ hẹn với khách hàng mà còn chậm trễ trong việc xây dựng các hệ thống. Chưa kể, các chuyên gia nước ngoài cũng gặp khó khăn khi đến Việt Nam.

Anh Tiến cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay những doanh nghiệp ứng dụng kịp thời công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành "doanh nghiệp xanh". Kể cả những thời điểm gặp tình huống khó, người đứng đầu cũng sẽ quản trị được doanh nghiệp của mình và sẽ tiếp tục hoạt động.

"Doanh nghiệp cũng cần được tiêm vaccine giống người dân. FPT đang triển khai Chương trình FPT eCovax với kỳ vọng giúp các doanh nghiệp bổ sung "kháng thể" cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch trong quản trị, vận hành, kinh doanh, bán hàng… hướng tới doanh nghiệp xanh. Các giải pháp số này sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài", Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo anh Tiến, có 4 yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp thời điểm này. Thứ nhất là công tác chỉ huy doanh nghiệp. Thứ hai là vai trò của người lãnh đạo trong doanh nghiệp. Tiếp đến là văn hóa doanh nghiệp và cuối cùng là công nghệ.

Anh Tiến cho biết khi một doanh nghiệp từ ông chủ đến người công nhân đều cùng làm việc với nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ hoạt động tốt dù trong hoàn cảnh nào. Người đứng đầu Viễn thông nhà F bật mí, thời điểm đỉnh dịch đã có lúc 1.000 nhân viên trên tổng số 1.600 nhân viên FPT Telecom ở Sài Gòn là F1 nhưng vẫn có thể hoạt động thay vì ngưng trệ.

Đặc biệt, theo Chủ tịch FPT Telecom, văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cũng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể phát triển nhanh hơn trong thời kỳ mới. “Cần phải suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới", anh nhấn mạnh và bổ sung, hiện nay tốc độ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin sẽ quyết định sự chiến thắng của doanh nghiệp.

Anh Hoàng Nam Tiến: Cũng như con người, doanh nghiệp cần là doanh nghiệp xanh

 

Sự kiện diễn ra trên nền tảng trực tuyến.



Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị Tiki, các doanh nghiệp trong ngành công nghệ số, công nghệ thông tin, digital sẽ là những ngành nghề hồi phục nhanh sau đại dịch. "Dù online hay offline nhưng có tỷ trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ càng nhiều thì khả năng phục hồi của doanh nghiệp càng lớn", ông Sơn nhìn nhận.

Tuy nhiên, CEO Tiki lưu ý doanh nghiệp không phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược định hướng kinh doanh mà là linh hoạt, thích ứng hoàn cảnh. "Đối với ngành bán lẻ, trong tương lai xu hướng của khách hàng sẽ ưu tiên vấn đề tiện lợi, an toàn, giá cả phải chăng. Do đó, doanh nghiệp phải tìm cách tối ưu hóa, dùng công nghệ để tiết kiệm chi phí...", ông Sơn nhìn nhận.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, CEO Tiki đánh giá đây là những đơn vị rất nhanh nhạy trong việc chuyển đổi số. "Hiện nay có rất nhiều cách để các doanh nghiệp này xoay xở, đặc biệt là tận dụng các hệ sinh thái, công cụ bán hàng online có sẵn để phát triển nhanh hơn", ông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó tổng giám đốc Đầu tư và Tài Chính NovaGroup - cho rằng ở mỗi doanh nghiệp đều có những khó khăn riêng.

"Chúng tôi xác định 2 mục tiêu, trước hết phải chuyển đổi về mặt công nghệ tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp để đối phó với những thay đổi mới. Đồng thời cố gắng cộng sinh với các doanh nghiệp khác như trở thành đối tác chiến lược hoặc cổ đông của nhau để tận dụng lợi thế và giảm bớt quy trình", ông nói.

Lượt xem: 409
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm