Tôi muốn làm thầy giáo
Thưa anh Hoàng Nam Tiến, điều gì đã thúc đẩy anh đang từ bộ phận mang nặng tính chuyên môn công nghệ của FPT - FPT Telecom chuyển sang Khối Giáo dục FPT?
Hoàng Nam Tiến: 10 năm trước, mọi người hỏi tôi, nếu không làm phần mềm nữa tôi làm gì? Tôi nói ngay là làm thầy giáo. Thầy giáo như Ba tôi, tướng Hoàng Đan! Hay như một vị tướng lừng danh khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với câu nói bình dị: “Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ làm thầy giáo”.
Phải chăng những vị tướng đáng kính trọng đó, với những mong ước đẹp như thế, luôn thôi thúc anh muốn chinh phục một lĩnh vực mới, cơ bản hơn, “Công nghệ Trồng người”?
Tôi cho là chúng ta có vài giai đoạn với những nhiệm vụ quan trọng trong đời:
Từ khi sinh ra đến năm 20 tuổi, bạn thích gì cứ làm đi; từ năm 20 tuổi đến năm 30 tuổi, cố gắng chọn cho mình một người sếp tốt; từ năm 30 tuổi đến năm 40 tuổi, cố gắng kiếm thật nhiều tiền; từ năm 40 tuổi đến năm 50 tuổi hãy tạo cho mình một vị trí, chỗ đứng trong xã hội; từ 50 tuổi trở đi là quãng thời gian đẹp nhất để bạn chia sẻ, cho đi những thứ bạn có.
Hiện giờ là lúc phù hợp để tôi chia sẻ tri thức và kinh nghiệm tôi đã có được với xã hội, nhất là với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với tri thức mới.
Có vẻ anh bằng lòng với vai trò mới: Người thầy. Hay có một lý do nào khác?
Tất nhiên tôi không chỉ là một thầy giáo truyền đạt tri thức. Tôi tự định vị mình là một nhà quản trị giáo dục khi nhập cuộc. Tôi mong muốn với vị trí của mình, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm của mình đã có, tôi và các đồng sự sẽ đưa được vốn tri thức mới nhất, hiện đại nhất từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới; những phương pháp luận về giáo dục; những kiến thức về quản trị con người, về chuyển đổi số… về Việt Nam. Chúng tôi hi vọng những hoạt động tích cực của mình sẽ tạo ra sự thay đổi cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
Phải biết "học cách tự học"
Trong số các lời khuyên của anh cho giới trẻ, anh thường nhấn mạnh đến khả năng “tự học” là yếu tố sống còn để giúp cho họ có thể sống sót giữa thời đại cạnh tranh bão táp và công nghệ tiến bộ từng ngày. Thật ra nhiều người trẻ tuổi cũng từng biết đến lời khuyên quen thuộc này. Vậy có gì mới trong nội hàm lời khuyên “tự học” của “Giáo Tiến” so với những lời khuyên trước đây của Doanh nhân Hoàng Nam Tiến?
Ngày hôm nay, với tư cách thầy giáo tôi sẽ nói sâu hơn về vấn đề này. Trước khi tự học, bạn sẽ phải học một môn rất hay, và chương trình này có miễn phí trên Coursera là “Learning how to learn”, tức là phải “học cách tự học”. Đây là một phương pháp khoa học và được chứng minh hiệu quả trên thế giới, rất nhiều trường đưa vào như một mục cần phải học ở tuần định hướng. Để tự học một cách có hiệu quả thì phải hiểu về bản chất của việc học, tạo ra môi trường học phù hợp, thói quen học phù hợp...
“Lifelong learning” là một trong những từ khóa quan trọng nhất cho thế hệ Z ngày hôm nay, có thể nói, là chiến lược quan trọng nhất của genZ. “Học tập suốt đời” là việc liên tục học tập kiến thức mới, liên tục cập nhật, nâng cấp bản thân một cách chủ động và tự nguyện. Nó là một chân lý không cần phải bàn cãi. Khi xã hội thay đổi, công nghệ biến đổi nhanh chóng như hiện nay thì không có một trường lớp nào có thể dạy được, hướng được các bạn đến với thành công. Năng lực tự học có vai trò quyết định tới năng lực cạnh tranh và khả năng được tuyển dụng của một cá nhân. Tự học cũng góp phần thúc đẩy quyền công dân, năng lực hòa nhập và sự phát triển của mỗi cá nhân trong thời đại hội nhập toàn cầu.
Khi xưa, chúng ta đi học là nền giáo dục một chiều, thầy giảng trò ghi chép. Ngày hôm nay, học hay tự học đã chuyển sang phương pháp luận 4 chiều.
Phương pháp này thế nào?
Nó là một phương pháp hội tụ đủ 4 chiều học: học từ thầy lớn (sếp mình…), học bạn lớn (những người ngang hàng với mình), học từ những người nhỏ hơn (em mình) và học từ chính mình. Tức là chúng ta cần phải tự học để biết, nhìn, thấy “xã hội trong tương lai”, “thị trường trong tương lai”, “doanh nghiệp trong tương lai”…
Điều này là vô cùng thách thức đối với không chỉ thế hệ trẻ.
Những người trẻ tuổi có thể không cần học đại học mà vẫn đạt được các thành tựu trong công việc, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực công nghệ máy tính, thông tin... Luận điểm này được lấy cảm hứng từ những nhà tỷ phú công nghệ như Bill Gates - người từng không thể kết thúc khóa học trọn vẹn tại Harvard hay Steve Jobs - người cũng chỉ có một học kỳ ở trường cao đẳng rồi bỏ học đi làm sớm... Có gì sai không trong luận điểm này?
Tôi nói thật, họ là những người đặc biệt lắm! Họ được trao cho thiên mệnh thì phải! Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên so sánh thiếu bối cảnh cụ thể như vậy.
Những nhân vật đó tuy không có bằng cấp nhưng có xuất phát điểm trong gia đình điều kiện tốt, trong một thời điểm mà việc họ làm có xác suất thành công cao hơn hẳn. Họ bỏ học nhưng họ đã thi đỗ vào những trường top đầu – đó là kết quả của quá trình học tập nghiêm túc. Họ là “những kẻ xuất chúng” gặp thời, gặp vận và đã đủ chín để làm nên chuyện.
Phần lớn chúng ta ít có được những điều kiện tốt, thời cơ có một không hai như vậy. Vì vậy, để liên tục phát triển và chuẩn bị cho những cơ hội may mắn đến, bạn phải liên tục học và tự học.
Ở đây tôi không giới hạn việc học suốt đời chỉ với đích đến là kiến thức và bằng cấp. Bạn học trong trường Đại học, trường Cao đẳng, học trong các khóa online, học trong sách, và cả học ngoài đời – học ở đâu cũng được, quan trọng là ta phải học, học để làm mới mình và khiến mình có giá trị hơn!
Cho dù đi học hay đi làm, tại bất kỳ “mặt trận” nào thì cũng phải giữ cho mình tinh thần học tập suốt đời, tôi tin vào điều đó!
Thế giới đã phẳng, đã phẳng
Ai cũng biết giáo dục là yếu tố then chốt để một quốc gia cất cánh. Trong suốt mấy chục năm qua kể từ sau 1975, anh đánh giá ra sao về thành tựu của giáo dục nước nhà? Thành công hay thất bại?
Tôi, anh đều trưởng thành trong môi trường giáo dục cũ. Và có lẽ chúng ta cũng không nên lảng tránh vấn đề này. Chính tôi cũng đã nhận xét, có rất nhiều vấn đề - khi mà việc học chỉ đơn giản là kiếm tấm bằng lận lưng. Đấy là sự thật.
Ngày hôm nay, thế giới đã thay đổi, xã hội đã thay đổi. “Thế giới phẳng”, một thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ XXI đã thực sự “phẳng”. Như FPT chúng tôi có hàng chục ngàn người làm việc ở hơn 30 quốc gia lớn nhất trên toàn cầu. Chúng tôi làm việc với những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Điều đó cho tôi thấy rằng, chúng ta phải thay đổi. Với cách học cũ, dạy cũ, tiếp cận cũ, cho dù chúng ta đã từng có những cá nhân xuất sắc được thế giới thừa nhận thì cũng cần phải thay đổi. Có thay đổi chúng ta mới có một thế hệ đủ tư cách của những công dân toàn cầu, đủ năng lực để đi bất cứ đâu trên thế giới như thế hệ cùng lứa ở những nước phát triển có nền giáo dục tiên tiến. Muốn các em được thụ hưởng một nền giáo dục, ta phải có một phương pháp luận khoa học để sẵn sàng cạnh tranh với trí tuệ năm châu.
Theo một thống kê năm 2021, số dân thành thị nước ta chiếm 37,1%, số dân nông thôn chiếm 62,9 %. Điều đó cũng có nghĩa là các con em xuất thân từ nông thôn chiếm gần gấp đôi. Làm thế nào mà những đối tượng từ nông thôn này lại có thể tiếp cận được những tri thức công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo từ nền giáo dục nước ta mà mảng công việc của anh là một phần trong đó?
Thế giới đã phẳng. Tôi muốn nhắc lại nhiều lần điều đó, cho dù, ở nông thôn hay thành thị. Với một chiếc smartphone trên tay, bạn đều có thể tiếp cận với những kiến thức mới nhất như các hệ thống liên quan đến AI (Artificial Intelligence - trí thông minh nhân tạo)… Internet đã giúp chúng ta làm phẳng thế giới. Vấn đề, bạn có muốn học và tự học không.
Nhưng có một câu chuyện nữa, đây thực sự là vấn đề các bạn trẻ cần nghiêm túc cải thiện: tiếng Anh.
Tôi muốn nhắn gửi những người làm giáo dục: ngày hôm nay, tiếng Anh không còn là một ngoại ngữ nữa; tiếng Anh (phải) được coi là ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ để làm việc, ngôn ngữ để sống, để giải trí… Đây là ngôn ngữ thống trị Internet, thống trị thế giới. Và tôi ủng hộ việc học tiếng Anh cần bắt đầu từ bậc thấp nhất trong hệ thống giáo dục của chúng ta.
Ngã ở đâu đứng lên ở đó
Anh là một người tương đối thành công trong công việc cũng như cuộc sống, nhưng anh chắc cũng biết rõ là trong 100 người thì có khi chỉ có vài người thành công! Với những người từng thất bại, họ phải làm gì?
Năm 18 tuổi, tôi trượt đại học. Khi ấy, tôi cũng muốn chọn một con đường khác - trở thành phi công. Ba tôi có nói muốn làm gì cũng được, nhưng phải đỗ đại học đã. Ngã ở đâu đứng lên ở đó. Với những bạn đã từng thất bại, tôi cũng muốn nói như vậy.
Tuy nhiên, có một loại thất bại khác nữa, ta cũng nên chấp nhận một cách nhẹ nhàng. Không phải ai cũng giỏi mọi thứ, như tôi thành công bảy cũng phải dại đôi ba lần; và không phải lúc nào ta cũng chọn đúng loại công việc sẽ đem đến cho ta sự thành công. Có rất nhiều việc, khi chúng ta làm, chúng ta tràn niềm tin chiến thắng, thậm chí chúng ta nghi ngờ liệu có thắng hay không; nhưng khi xác định không nên tiếp tục, chúng ta cần phải biết dũng cảm từ bỏ, chấp nhận với tinh thần lạc quan làm lại điều mới.
“Tomorrow is another day” – Ngày mai là một ngày mới, và chúng ta lại bắt đầu. Câu nói này là của Scarlett O’Hara trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của nữ tác giả Margaret M. Mitchell. Và tôi là fan hâm mộ của cô ấy.
Muốn kinh tế, công nghệ của đất nước tiến kịp và hội nhập (Go Global) được với thế giới thì số người thành công phải nhiều hơn số người thất bại. Tuy vậy nhiều mô hình giáo dục đang triển khai hoạt động đào tạo chưa hiệu quả, nhiều doanh nghiệp lớn khi nhận sinh viên phải “đào tạo lại”.
Theo anh làm thế nào để thay đổi thực trạng giáo dục này một cách tổng thể chứ không chỉ khu biệt trong đội ngũ nhân sự một vài tập đoàn lớn như Viettel, FPT…?
Các cụ có một câu rất hay: “Đừng lấy thành bại để luận anh hùng”. Trong một xã hội, đâu đó 80% chúng ta sẽ phải làm một công việc nào đấy, với một cuộc sống tương đối phẳng lặng, có thể hiểu là độ an toàn cao. Và sẽ có một số ít người, khoảng 20%, sẽ phải đối mặt với cả thành công và thất bại, nhiều nhất là những doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Nói về những người giỏi, không phải khiêm tốn gì, thực sự những người giỏi nhất không phải là làm ở FPT, Viettel… đâu. Tôi biết, gặp nhiều các bạn trẻ (và các bạn già nữa), họ có kiến thức uyên thâm, chuyên môn giỏi.
Gần đây, tôi có gặp các bạn trẻ, đặc biệt startup về mảng công nghệ, họ vô cùng giỏi, có lẽ anh ít biết đến thôi. Họ, những startup liên quan đến game Việt Nam, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo… vô cùng thành công.
Người Nhật từng thành công với chính sách nhân viên cả đời chỉ làm cho một công ty, trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Anh lại khuyên lớp trẻ nên thường xuyên thay đổi vị trí công tác, nôm na gọi là “nhảy việc”. Cơ sở nào cho anh có lời khuyên như vậy?
Xu hướng cả đời làm việc cho một công ty đã thay đổi rất nhiều, vì thế hệ trẻ đã nhiều lên trong xã hội Nhật và họ muốn thay đổi. Người ta nói rằng người Nhật rất thành công với chính sách làm việc cả đời, ngược lại người Mỹ cũng rất thành công, nhưng họ vẫn “nhảy việc” liên tục.
Còn tại sao tôi khuyên lớp trẻ thay đổi vị trí công tác? Thực sự các bạn trẻ hiện nay rất cần trải nghiệm, cần thách thức mới, cơ hội mới… nên “nhảy việc” là đương nhiên. Nhưng cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ Gen Z rằng: “nhảy việc” khi thành công khác với “nhảy việc” khi thất bại. Cứ khó khăn là quay đầu, cả đời sẽ khó bước lên bục chiến thắng.
Thành công thường truyền cảm hứng, thất bại mang lại kinh nghiệm. Anh có thể chia sẻ một trong những thất bại đáng nhớ nhất trong những môi trường làm việc của FPT và kinh nghiệm gì rút ra được từ đó để truyền đạt lại cho những người trẻ đang thụ hưởng công nghệ giáo dục FPT?
Trong 30 năm đi làm, chúng tôi cũng gặp nhiều thất bại lắm! Vẫn nhớ, vào năm 2000, chúng tôi đã học những gì mới nhất trên thế giới và đã tạo ra một website thương mại điện tử có tên “B2VN”, mục tiêu nhằm kết nối các doanh nghiệp trong nước; nó như một đầu cầu (hub) kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí chúng tôi còn tự hào đi trước cả Amazon! Khai trương hoành tráng, tham gia đủ diễn đàn ở cấp chính phủ, hiệp hội nọ kia, cuối cùng thất bại thảm hại.
Bài học rút ra là gì? Đi quá sớm, sớm đến mức khi mọi người còn mải rong chơi. (Cười).
Là một “Người Thầy”, anh có thể nói một điều gì đó ngắn gọn, truyền cảm hứng tới các bạn trẻ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa… những đối tượng, nhóm người, vì điều kiện khách quan, chủ quan nào đó, không thể tiếp cận tri thức đầy đủ như các bạn đồng trang lứa ở thành thị?
Tôi muốn nói điều này, Internet là một thành quả vĩ đại của loài người, luôn được xếp cùng tầm quan trọng như việc con người phát minh ra lửa. Nó xóa nhòa mọi biên giới, khoảng cách nếu biết sử dụng đúng cách, đúng liệu trình để phát triển bản thân, để giao lưu, học hỏi. Tiếng Anh cũng vậy, là một “công cụ” có thể giúp kết nối thế giới gần nhau hơn; và các bạn trẻ - thế hệ Z - dù nông thôn hay thành thị, không nằm ngoài vòng tròn ấy!
Cảm ơn anh đã dành cho Nông thôn Việt một “tách cà phê nguyên chất không đường, loại Arabica ngây ngất bởi hương vị thanh dịu của nó”.
Nguồn: Nông thôn Việt