'Đánh thắng lần này, anh về cưới em'

Đó là câu chuyện tình đẹp, lãng mạn đi qua ba cuộc chiến tranh vệ quốc. 43 năm đi giữa hòn tên, mũi đạn, vị tướng ấy luôn có niềm tin mãnh liệt sẽ “sống sót trở về với em”… Và ông đã trở về, sau cả cuộc đời binh nghiệp như một điều kỳ diệu, như cổ tích tình yêu…

Ngày 26/05/2024 | 0 phút đọc

Đạp xe 1.300km về cưới vợ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thư cho em - kể lại cuộc tình kéo dài hơn 40 năm của Thiếu tướng Hoàng Đan - một trong những chiến tướng nổi bật của Quân đội nhân dân Việt Nam và vợ ông là bà An Vinh - nữ đại biểu Quốc hội những khoá đầu, thông qua lời kể của ông Hoàng Nam Tiến, con trai út của hai người. Câu chuyện của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh qua hơn 400 lá thư không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng mà là tình yêu của một thế hệ, một thời kỳ của đất nước.

Xuất thân là một người ở, bà Nguyễn Thị An Vinh (SN 1933) đã không ngừng phấn đấu, học tập suốt đời để có sự nghiệp không thua kém chồng. 37 tuổi, bà An Vinh là Đại biểu Quốc hội khóa III và là Phó Giám đốc Sở Thương Nghiệp Hà Nội, Bí thư Đảng uỷ. Không chỉ “giỏi việc nước”, bà cũng như bao người phụ nữ thời chiến khác đã trở thành một hậu phương vững chắc cho chồng. Chính tình thương khác biệt và bền chặt của bà là điểm tựa cho Thiếu tướng Hoàng Đan trên con đường chiến đấu.

Ông Hoàng Nam Tiến kể, năm 1954, sau khi thắng trận Điện Biên Phủ, ba tức tốc lên gặp Bộ Chỉ huy xin nghỉ phép về quê cưới mẹ. Trước đó gần cả năm liền, ba mẹ bặt tin nhau do chiến tranh. Mãi đến lúc bác Hoàng Minh Thảo, chỉ huy trực tiếp của ba tôi, cấp giấy giới thiệu “Đồng chí Hoàng Đan cưới vợ”, ba vẫn không biết mẹ ở đâu. Hôm sau, ba tức tốc đạp xe từ Điện Biên về Nghệ An tìm mẹ. Biết mẹ được cử ra Thái Nguyên học tập, ông lại ngược về Việt Bắc rồi vượt sông sang Lạng Sơn khi hay tin bà đã được phân công về đây công tác. Tổng quãng đường xấp xỉ 1.300km, ba chỉ có chiếc xe đạp, tờ giấy giới thiệu và một trái tim yêu mẹ.

Thuở trẻ, ba xuất thân trong một gia đình khá giả, được học hành tử tế lại có chiến công sớm nên xung quanh không thiếu “bóng hồng”. Thế mà ba chỉ yêu và thương mẹ. Cuối năm 1953, hai bên gia đình đã đồng ý, chuẩn bị đầy đủ thủ tục ăn hỏi thì ba phải lên đường. Vào giai đoạn chiến sự cam go nhất ấy, ba vẫn chắc nịch: “Đánh thắng lần này, anh về cưới em!”. Thế mà lúc hội ngộ, mẹ từ chối lời cầu hôn! Từ nhỏ mẹ đã mất cha, 8 tuổi ở đợ nuôi mẹ và 2 em nên bà sợ phải quay lại cảnh xưa. Nên để cưới được bà, ông phải giữ lời hứa, chưa vội có con…

Hôm sau, ba mẹ tôi chính thức lấy nhau. Đêm tân hôn đầu tiên, ba mẹ chỉ nằm cạnh, nắm tay và nói chuyện đến tận sáng. Năm 1958, mẹ về Hà Nội làm mậu dịch viên cửa hàng Bách hoá số 5 Nam Bộ - một trong những cửa hàng mậu dịch lớn nhất miền Bắc thuở đó. Đó là thời gian hiếm hoi trong chiến tranh ba mẹ được ở cạnh nhau. Mẹ quyết định sinh cho ba đứa con đầu tiên.

Năm 1960, ba lên đường sang Liên Xô học quân sự. Khi ấy, mẹ mới học hết cấp 2 phổ cập. Bốn năm trời ba đi học, trong hàng trăm bức thư gửi về, lòng ba lúc nào cũng lo lắng cho vợ, cho con. Ấy vậy, ông rất vui khi sáng mẹ làm mậu dịch, tối vẫn một tay mẹ dắt anh An mới lên 2 tuổi, một tay bế chị Hồng tròn 8 tháng đến trường.

 

Năm 1964, khi ba từ Liên Xô trở về, mẹ đã tốt nghiệp phổ thông. Năm 1968, khi mẹ được lựa chọn trở thành Đại biểu Quốc hội thì bà phát hiện mình có bầu lần thứ 3. Và giữa năm 1969, tôi được sinh ra đời. Suốt năm tháng đó, mẹ đảm nhiệm vị trí Cửa hàng trưởng cửa hàng Bách hoá số 5 Nam Bộ lẫn Đại biểu Quốc hội. Ngày làm việc 12 tiếng, tối về mẹ lại chăm 3 con. Thậm chí, năm 1983, mẹ trở thành một trong số ít người được Chính phủ cử sang tu nghiệp tại Liên Xô.

Suốt thời kỳ ba mẹ yêu nhau, ba thương mẹ bao nhiêu là nhắc mẹ phải phấn đấu bấy nhiêu. Nó trở thành động lực bởi cả hai luôn tâm niệm: Vợ chồng không chỉ yêu mà còn tương xứng trí tuệ, vị trí trong xã hội để giữ nếp nhà hạnh phúc.

Và tiếp bước đưa trí tuệ Việt ra thế giới

Hơn 400 lá thư của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ trải dài qua các cuộc chiến tranh. (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Hơn 400 lá thư của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ trải dài qua các cuộc chiến tranh.

(Ảnh: Gia đình cung cấp).

Lớn lên trong tình yêu, trong gia đình có cha là một vị tướng biền biệt qua ba cuộc chiến, ông Hoàng Nam Tiến cho biết, chưa bao giờ hết ngưỡng mộ đấng sinh thành: “Trong lòng tôi, không tình yêu nào có thể đẹp hơn tình yêu của ba mẹ, không sự trìu mến nào có thể nhiều hơn sự trìu mến của ba dành cho mẹ, không sự bao dung nào có thể lớn hơn sự bao dung mẹ dành cho ba”.

Sau này dù ở tuổi lão, chỉ cần bà An Vinh đau ốm hay thèm ăn gì, bất kể ban đêm hay trời lạnh, ông Hoàng Đan sẵn lòng đi mua thuốc giảm đau hoặc món bà thích. Con cháu nhiều lần ngăn cản vì lo cho sức khoẻ nhưng ông thường không nghe, luôn chiều theo mọi yêu cầu của vợ. Vì vậy, khi ông đột ngột qua đời năm 2003, bà Vinh đau buồn đến ốm nặng.

 

Theo ông Tiến, thời đánh Pháp, đuổi Mỹ, Tàu, ba ông là người chỉ huy nên bao giờ cũng xông pha nơi hòn tên, mũi đạn. Rất nhiều thời kỳ ở khu tập thể - từ Cầu Gỗ đến Trần Phú rồi Quân khu Nam Đồng, chỉ còn phụ nữ và trẻ em. Những người vợ có chồng là bộ đội, người phụ nữ thời chiến đều chấp nhận chuyện chồng, cha, con họ có thể hy sinh vì Tổ quốc. Mẹ vì vậy không bao giờ cho mình cái quyền bi luỵ.

Mãi đến mùa đông năm 2003, buổi sáng ba chạy chiếc xe máy đưa mẹ đến bệnh viện. Buổi chiều thiếu thuốc, ông ghé ra cửa hàng mua thì lên cơn nhồi máu cơ tim rồi mất. Mất đột ngột! Ngày đưa tiễn ba, đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến mẹ khóc!

Trong tuổi thơ Hoàng Nam Tiến, ký ức về cha luôn là niềm vui mỗi lần cha chiến thắng trở về. Năm 1973, sau mùa hè đỏ lửa khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị, ba về Hà Nội đón mẹ vào thăm chiến trường. Năm 1979, quân địch rút khỏi Đồng Đăng (Lạng Sơn) ba đón mẹ lên trận địa, cả nhà cùng ăn Tết.

Sau ngày 30/04/1975, ngày mà ba luôn gọi là ngày hoà bình, ngày thống nhất, ba đã ra Hà Nội chở mẹ đi dọc hành trình chiến đấu của mình. Ba đưa mẹ đến Huế, vào Đà Nẵng, đi trên quốc lộ 1 vào đến Sài Gòn khi đó.

Sau mỗi trận đánh, ba đều đón mẹ ra tận chiến trường, để chia sẻ với mẹ và hiểu nỗi vất vả, gian khó, nguy hiểm của người lính trong chiến tranh. Với mẹ, ba là duy nhất. Còn với ba, trong rất nhiều lựa chọn thì ông luôn hiểu rằng giá trị đích thực của tình yêu là mẹ. Ba đi từ năm 1946 đến năm 1989 là 43 năm. Ngần ấy thời gian, đồng đội ba hy sinh nhiều lắm. Thế nhưng, có một điều kỳ lạ mà ông hay nửa đùa nửa thật: “Nhờ ông bà sống nhân hậu, mẹ mày thì bao dung, cả đời ba đi chiến tranh chưa bao giờ bị một vết thương”.

Sau hơn 30 năm chiến trận, năm 1976, ba giữ chức Phó Giám đốc Học viện Quân sự Cao cấp, nay là Học viện Quốc phòng, trực tiếp đào tạo sĩ quan quân đội. Ba tôi có câu rất hay “Làm lãnh đạo không làm thay nhưng phải làm gương”. Vì vậy, khi tôi trở thành cha, tôi học ở ba và mẹ mình một đức tính là không lên giọng, không rao giảng với con cái.

“Ngày hôm nay, tôi tiếp nối ba, trở thành một nhà giáo. Mỗi ngày tôi luôn dành thời gian gặp gỡ hàng ngàn em sinh viên, hàng ngàn học sinh và các lớp học. 30 năm làm việc tại FPT, tôi luôn tin mình đang nối tiếp tình yêu đất nước của thế hệ đi trước, của Bác Hồ, bác Giáp và của ba…

Thế hệ cha ông đã đổ máu cho ngày độc lập, tự do, còn thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm mang lại cuộc sống tốt đẹp, đưa các bạn trẻ, đưa trí tuệ Việt đi xa hơn nữa. Hôm nay, màu áo FPT đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu. Phần mềm của FPT đã chạy trong hệ thống của những tập đoàn hàng đầu thế giới. Dịch vụ của FPT đã có mặt ở 63 tỉnh, thành. Và sinh viên FPT đã mang trí tuệ và tiếng đàn bầu trong tim đi đến khắp mọi nơi.

Tôi tin - chúng tôi sẽ còn đi rất xa hơn. Bởi trên hành trình đó, tôi luôn có mẹ và ba ở bên mình…

Thiếu tướng Hoàng Đan (SN 1928), nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng là cha của ông Hoàng Nam Tiến. Ông là hậu duệ đời thứ 21 của danh tướng đời nhà Trần Hoàng Tá Thốn, hiệu Sát Hải Đại Vương. Ông Hoàng Đan là cán bộ chỉ huy từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới.

Lượt xem: 238
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm