Ông Hoàng Nam Tiến kể chuyện FPT Software 3 năm miệt mài "săn cá voi" Airbus

“Chúng tôi chẳng khác gì một công ty sản xuất phần mềm ở Mù Cang Chải đề nghị hợp tác chiến lược với ông Trương Gia Bình…”, Chủ tịch HĐQT FPT Software Hoàng Nam Tiến kể lại.

Ngày 01/12/2022 | 0 phút đọc

FPT Software và Airbus vừa ký thỏa thuận phát triển công nghệ trong lĩnh vực hàng không dựa trên nền tảng công nghệ Skywise của Airbus. Quá trình 3 năm “săn cá voi” của FPT Software bắt đầu có những thành quả đầu tiên.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, công ty này đã vạch ra chiến lược tạm gọi là "săn cá voi" – tập trung vào nhóm 500 công ty có doanh thu lớn nhất toàn cầu. Với Airbus – "cá voi" lớn nhất nước Pháp, FPT đã "săn" từ cách đây 3 năm, và mới đây đã chính thức “nên duyên” với doanh nghiệp gần 70 tỷ USD này.

Ông Hoàng Nam Tiến kể chuyện FPT Software 3 năm miệt mài

Theo văn bản hợp tác với Airbus, FPT Software sẽ cung cấp khoảng 500 lập trình viên có đủ các kỹ năng chuyên môn để phát triển các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành hàng không dựa trên nền tảng Skywise. FPT Software cũng sẽ tham gia đào tạo về nền tảng Skywise cho các khách hàng của Airbus và những đơn vị sử dụng Skywise trên thế giới.

Chia sẻ về cơ duyên với Airbus, ông Tiến cho biết, FPT đã đặt vấn đề với hãng hàng không lớn thứ 2 thế giới về doanh thu này từ 3 năm trước.

Nhưng hồ sơ FPT gửi tới Airbus nằm lẫn trong 1.500 hồ sơ khác, và họ không đọc.

Chúng tôi chẳng khác gì một công ty sản xuất phần mềm ở Mù Cang Chải đề nghị hợp tác chiến lược với ông Trương Gia Bình!

- Hoàng Nam Tiến-

Tháng 7 năm 2016, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - cùng những cá nhân chủ chốt của FPT Software sang Pháp với quyết tâm phải bắt tay bằng được với doanh nghiệp lớn nhất nước Pháp.

FPT Software có chiến lược tạm gọi là “săn cá voi” – tập trung vào nhóm 500 công ty có doanh thu lớn nhất toàn cầu. Sang Pháp chuyến này, “cá voi” được FPT nhắm tới là Airbus – hãng hàng không lớn thứ 2 thế giới có doanh thu gần 70 tỷ USD.

“Đến thủ phủ của Airbus ở Toulouse (Pháp), chúng tôi không nghĩ ra làm thế nào để thuyết phục một công ty doanh thu 70 tỷ USD chọn một công ty công nghệ ở Việt Nam làm đối tác. Chúng tôi chẳng khác gì một công ty sản xuất phần mềm ở Mù Cang Chải đề nghị hợp tác chiến lược với ông Trương Gia Bình. Thực tế là thế…”, ông Tiến kể lại.

Khi đến Toulouse, trước mặt là những lãnh đạo cao cấp của Airbus, ông Trương Gia Bình bắt đầu với câu hỏi: “Trong cuộc cách mạng chuyển dịch số (Digital Transformation) này, Airbus định làm gì?”

Câu hỏi đã đẩy Airbus sang vị thế người trả lời. Trong cuộc cách mạng số ấy, FPT lại ghi thêm điểm khi đã có một “chứng nhận” rất tốt – là đối tác của một trong những công ty hàng đầu thế giới về IOT (Internet vạn vật) là GE. Nhờ vậy, FPT nhận được cái hẹn nữa của Airbus trong 2 tháng tiếp theo, tại Việt Nam.

Tháng 9/2016, khi Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Francois Hollande sang thăm Việt Nam, CEO của Airbus cũng sang cùng. Sau hợp đồng bán máy bay “khủng” lên tới 6,5 tỷ USD với Vietnam Airlines, VietJet và Jetstar, CEO Airbus “dường như không kỳ vọng gì”, nhưng vẫn dành cho FPT 45 phút gặp mặt.

“Khi bước vào, anh Bình (ông Trương Gia Bình – PV) lại chủ động hỏi: “Ông có thể chia sẻ cho tôi về Chiến lược chuyển đổi số (Digital Transformation Strategy)”.

“Sau đó, thay vì chúng tôi trình bày, ông ấy kể: Máy bay bây giờ là cái máy tính biết bay. Có hàng trăm ngàn thiết bị, tất cả các loại cảm biến được nối với nhau trên nền tảng IOT. Lập tức, CTO của tôi dành 7 phút trình bày kinh nghiệm của chúng tôi làm IOT. Sau đó, vị CEO gật đầu, mời chúng tôi đến Pháp”, Chủ tịch FPT Software nhớ lại.

Sau cuộc gặp thăm dò ở Pháp, ông Marc Fontaine - Giám đốc Chuyển đổi số của Airbus yêu cầu FPT Software cử những người tốt nhất đến Toulouse. 4 nhân viên trẻ của FPT Software được cử sang thực tập, chạy thử trên máy bay Airbus 380 - máy bay 2 tầng hiện đại bậc nhất thế giới, và qua được tất cả các bài test.

Nhưng các thử thách chưa dừng lại ở đó.

Airbus lại tiếp tục giao một số bài tập. Và rồi lại những bài tập khó hơn nữa về Big Data (dữ liệu lớn), Xử lý hình ảnh, AI (Trí tuệ nhân tạo)…

“Chúng tôi đã qua được tất cả các bài kiểm tra đó, nên mới có buổi ký kết này”, ông Tiến kể.

“Được Airbus chấp nhận làm partner, lại còn là partner trong lĩnh vực tiên tiến nhất bây giờ trên nền tảng 4.0, tôi nói luôn là tại Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, không nhiều công ty được lọt vào danh sách này".

"Tôi nghĩ sau khi được hãng hàng không lớn nhất nhì chấp nhận chúng tôi làm phần mềm cho họ, gần như chúng tôi được dán một “certificate” (chứng nhận – PV) về mặt chất lượng để có thể gặp bất kỳ công ty nào. Điều này còn quan trọng hơn là con số triệu USD về doanh thu”.

Ông Hoàng Nam Tiến cũng chia sẻ rằng, ngành phần mềm đang rất hot với mức lương tăng nhanh. Tuy nhiên, có một thực tế là 99,9% trường đại học Việt Nam hiện đang đào tạo đội ngũ sinh viên chưa đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ 4.0.

Nguồn: Bảo Bảo - CafeBiz - 17/12/2017

Lượt xem: 685
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm