“Tình yêu chân chính làm cho con người ta đẹp lên”

Tự nhận là một người không giỏi viết lách và dở tệ môn Văn thời còn đi học, cơ duyên nào đã khiến ông Hoàng Nam Tiến ra mắt cuốn sách "Thư cho em"?

Ngày 26/05/2024 | 0 phút đọc

Ông Hoàng Nam Tiến là Nguyên chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT để tập trung vào các chương trình đào tạo sau đại học. Ngoài được biết đến với vai trò là một nhà quản trị, chuyên gia công nghệ, nhà giáo, giờ đây ông Tiến còn xuất hiện trong một vai trò mới - tác giả cuốn sách “Thư cho em”.

Trải qua 18 tháng hoàn thiện với 16 lần chỉnh sửa, “Thư cho em” lấy chất liệu từ 400 bức thư mà bố mẹ của ông - Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh đã trao đổi với nhau trong khoảng thời gian xa cách vì chiến tranh cho đến khi cả hai đã bạc mái đầu.

alt
Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Trò chuyện với host Thuỳ Minh trong podcast Have A Sip, ông Hoàng Nam Tiến có cơ hội chia sẻ về mối tình đi qua 3 cuộc kháng chiến, cũng như nhắn nhủ và động viên đến thế hệ trẻ với mong muốn mang trí tuệ Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Câu chuyện tình yêu đôi lứa thấm đẫm tình yêu đất nước

Qua thời gian, những lá thư có thể đã sờn cũ, nhưng câu chuyện tình yêu cao đẹp và đơn thuần giữa hai con người vẫn luôn vẹn nguyên cảm xúc. Những bức thư tay là lời hẹn ước đã đi qua các mốc lịch sử lớn lao của dân tộc, từ: “Thắng trận này, anh phải cưới em” trước Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đến “Hẹn em ngày chiến thắng” một tháng trước ngày thống nhất đất nước năm 1975.

Qua đó, ta thấy được những hình ảnh vô cùng quý giá: Người lính trước khi ra trận đã viết một bức thư với niềm tin chiến thắng trở về, đạp xe hơn 1300 cây số để hỏi cưới vợ, và sẵn sàng chờ đợi người mình thương tập trung cho công việc trước khi có gia đình nhỏ. Đó còn là sự thấu hiểu, tôn trọng, bao dung, và luôn lấy nhau làm động lực để phát triển, hoàn thiện bản thân.

Bố của ông quan niệm rằng khi người ta yêu nhau thì không chỉ nhìn vào mắt nhau, mà phải cầm tay nhau và tiến về cùng một phía.

alt
Nhìn vào mối tình của bố mẹ mình, ông Tiến cho rằng, tình yêu ban đầu có thể xuất phát từ cảm xúc, nhưng để duy trì mối quan hệ thì cần rất nhiều năng lượng khác. | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Bố của ông, một người chiến sĩ cách mạng, đã có một lý tưởng rất giản dị: Ông ra trận với mong ước được gìn giữ bình yên cho gia đình nhỏ, cho những đứa con: “Anh có đi chiến đấu thì em thân yêu mới hòa bình ở Hà Nội”, hay “Anh phải đi đánh nhau để con mình không phải đánh nhau nữa”.

Lý tưởng đôi khi chỉ là “chill có gu”

Mỗi người chúng ta có cách hiểu khác nhau về hai chữ “lý tưởng”, hay “sứ mệnh”. Ngày nay, khi nhắc đến lý tưởng, nhiều người thường gắn nó với những điều xa xôi, vượt ra ngoài những điều bản thân đang có, tựa như một chiếc áo quá rộng.

Vì vậy, họ không bàn nhiều về lý tưởng, mà tập trung vào việc sống cho bản thân nhiều hơn, và cổ vũ bằng những câu nói “Cứ chill đi”. Tuy nhiên, ông Tiến cảm thấy từ “chill” đang bị lạm dụng và khiến nhiều người dễ rơi vào tình trạng sống thả trôi, để những ngày trôi qua thiếu vắng đi mục đích và không có động lực phấn đấu.

alt
Đối với ông, đây chính là việc sống mà không có lý tưởng. | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Bạn vẫn có thể chill bằng cách bình yên tận hưởng phong cảnh và chụp những bức hình xinh đẹp để chia sẻ cho bạn bè khắp năm châu, để họ thấy một Việt Nam hùng vĩ và nên thơ.

Đó có thể là việc đi đến những nơi xa xôi nhất, đẹp đẽ nhất của Tổ quốc như đỉnh Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang nơi có cây chè Shan tuyết cổ thụ trên 700 năm. Hay đi đến những nơi khó khăn và tặng quà bánh cũng như đọc sách cho các em nhỏ.

 

alt
Trên trang cá nhân, ông rất hay chia sẻ những món ăn ngon hay công thức nấu nướng | Nguồn
Facebook Tien Hoang Nam

Ông cũng đề cao tinh thần sống chất, bước ra khỏi vùng an toàn và dám thử thách bản thân trước mọi điều mới. Việc “sống chất” cũng rất đơn giản: Mỗi một tuần, bạn hãy thử tạo nên ít nhất một sự kiện đáng nhớ, đọc xong một cuốn sách, ăn sập hàng quán khi đi du lịch hay đi phượt đến một vùng đất mới.

Trở thành “một hình tròn” để luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh

Từng nắm giữ vị trí Chủ tịch của FPT Software, FPT Telecom và là một mảnh ghép quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn FPT. Ở những giai đoạn đầu, khi FPT Software chỉ có 5.000 nhân viên, ông đã đặt ra tham vọng phát triển đến con số 30.000 người, nhưng lại bị nhiều người đánh giá là viển vông.

Sau nhiều nỗ lực của cả tập thể, vào tháng 3 năm nay, FPT Software đã đạt được mục tiêu và chào đón thành viên thứ 30.001. Ông Tiến cho rằng để có thể theo đuổi đam mê, điều quan trọng là giữ được sự kiên định, kiên trì, kiên nhẫn và lì lợm để tiến thẳng đến mục tiêu cuối cùng.

alt
“Mục tiêu mà mình biết mình làm được thì không gọi là mục tiêu nữa.” | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Ông so sánh sự lì lợm và cái tôi cá nhân như những góc cạnh trong hình vuông, góp phần tạo nên phẩm chất và bản sắc riêng của mỗi người. Tuy nhiên, ông quan niệm rằng quy luật của tự nhiên - như cách mặt trời, mặt trăng hay hàng tỉ các hành tinh khác ngoài vũ trụ đều có dạng hình cầu - đòi hỏi bạn phải biết linh hoạt và thích ứng bằng cách trở nên “tròn” để có thể sinh tồn.

Bạn có thể là hình vuông sắc cạnh, luôn giữ vững quy tắc của mình, nhưng nếu không có sự thức thời và “lắc lư” theo hoàn cảnh thì có thể dễ bị đào thải. Ngược lại, nếu bạn không biết cách “vuông” - thiếu đi những quan điểm và giới hạn cho riêng mình, bạn có thể bị “vo tròn” và đánh mất chính mình.

Chia sẻ thêm về khái niệm hạnh phúc, ông Tiến cho biết niềm hạnh phúc là điều mà chúng ta phải tìm kiếm xuyên suốt cuộc sống này.

alt
Nó đến từ những chi tiết rất nhỏ, như việc được sờ vào từng trang giấy và hít hà cái mùi giấy, mùi mực. | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Đặc biệt hơn là tìm thấy một cuốn sách xứng đáng để lật đi lật lại, cho mình cảm giác đắm chìm trong hạnh phúc. Cũng từ chính định nghĩa này, ông đã đọc đến thuộc lòng những bức thư tay của bố mẹ, và mang câu chuyện tình thời chiến đến với các bạn trẻ hiện nay.

 

Lượt xem: 230
Bình luận
Đang tải bình luận...
Xem thêm